
Chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Để động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm, chăm lo mọi mặt giúp người có uy tín ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, cống hiến sức lực xây dựng thôn, bản ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Quảng Ninh hiện có 393 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Để chăm lo, xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, tỉnh đều quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương, cơ sở tiến hành bình chọn, xét công nhận người có uy tín đảm bảo các điều kiện và đúng quy trình theo hướng coi trọng và nâng cao chất lượng người có uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động thực tiễn đặt ra.
Trong 2 năm (2023-2024), tỉnh đã bố trí kinh phí 3 tỷ đồng/năm để Ban Dân tộc tỉnh (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) chủ trì thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Các địa phương bố trí 2 tỷ đồng/năm nhằm đảm bảo thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn.
Tỉnh đã duy trì tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu cấp huyện 1 năm/lần, cấp tỉnh 2 năm/lần. Người có uy tín được quan tâm thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội; được phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
Anh Dường Phúc Thím, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: Là người có uy tín ở thôn, thời gian qua, tôi đã được tham gia nhiều hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục do tỉnh và huyện tổ chức như: Luật Phòng chống mua bán người, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình; Phòng chống xâm hại trẻ em; Chính sách đối với người DTTS... và được trực tiếp trao đổi, giải đáp các tình huống trong thực tiễn liên quan tới pháp luật. Qua đó, giúp tôi nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân trong thôn.

Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mặt khác, người có uy tín còn kịp thời nắm bắt, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có chính sách bồi thường GPMB, thu hồi đất, chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi... phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần hạn chế bức xúc, tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Trong 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều gương người có uy tín điển hình tiêu biểu, như: ông Dường Chống Sòi, thôn 1 (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội trong thôn, bản; ông Vi Văn Đăng, thôn Đồng Giang (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) tích cực vận động nhân dân phối hợp hiến đất, thực hiện công tác GPMB xây dựng đường liên xã và xây dựng NTM; bà Chu Thị Bích Sen, khu Nà Phạ (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) tích cực trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế; ông Bùi Xuân Chiều, thôn Nà Sa (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) thực hiện hiệu quả việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng NTM...
Ý kiến ()