
Xây dựng đời sống văn hóa gắn kết cộng đồng
Trong quá trình xây đựng đời sống văn hoá tiên tiến, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Do đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện theo chiều sâu nên nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Nhiều địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm sáng tạo và tạo ra được nhiều nhân tố tích cực, nhiều gương điển hình được cộng đồng ghi nhận và học tập.
Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương. Cùng với đó, công tác xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh được tăng cường đầu tư đã tạo sân chơi lành mạnh cho đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên.
Hệ thống thiết chế văn hóa được quy hoạch, tạo không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao cho người dân. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, đất nước Việt Nam vững mạnh.
Trong hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, tỉnh đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền nhân dân tại các khu dân cư, các đơn vị giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ cây xanh. 100% cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc giữ gìn môi trường sống, xây dựng kỷ luật, kỷ cương hành chính, nếp sống văn hóa, văn minh, nhân dân trong toàn tỉnh tích cực thực hiện nếp sống văn minh tại nơi mình cư trú, đặc biệt tăng cường công tác bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đến 100% cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu “Nụ cười Hạ Long”, hình ảnh con người Quảng Ninh thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh đặc biệt là với du khách trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ninh.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Chính vì thế, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa ở các địa phương trong toàn tỉnh đã thu được kết quả tốt. Cùng với nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tự nguyện hiến đất, hiến ngày công tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đóng góp nhiều tỷ đồng để xây dựng các công trình của thôn, xóm trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của cộng đồng được nhiều địa phương thực hiện tốt, việc gắn phát triển đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới đã tạo cho nhiều vùng nông thôn có môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp như Đông Triều, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô...
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần ở các vùng nông thôn, hải đảo được nâng cao rõ rệt, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI.
Thanh Phong
Ý kiến ()