
World Press Photo tuyên bố Em bé napalm có khả năng không phải do Nick Út chụp
Thông cáo của World Press Photo cho biết tổ chức này quyết định tạm ngưng xác nhận tác giả ảnh Em bé napalm vì không có bằng chứng khẳng định ông Nick Út là người chụp bức ảnh này.
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam, thường được biết đến với tên gọi Em bé napalm, hiện đang trở thành tâm điểm tranh cãi sau nửa thế kỷ được công nhận.
Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới - World Press Photo - vừa thông báo tạm ngưng xác nhận tác giả bức ảnh, vốn từng được trao giải cao nhất vào năm 1973.
Tranh cãi quanh Em bé napalm nóng lên sau nửa thế kỷ
Bức ảnh có tên gốc The Terror of War, ghi lại khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, không mặc quần áo chạy trong tuyệt vọng giữa con đường làng ở Trảng Bàng (Tây Ninh) sau một trận bom napalm.
Hình ảnh đó trở thành biểu tượng phản chiến toàn cầu và từ lâu được ghi nhận là tác phẩm của phóng viên ảnh Huỳnh Công Út (Nick Út), khi đó mới 21 tuổi, đang làm việc cho Hãng tin AP tại Sài Gòn.

Bức ảnh không chỉ đoạt giải Ảnh báo chí thế giới 1973 mà còn góp phần làm nên tên tuổi của Nick Út như một trong những phóng viên chiến trường lừng danh nhất thế kỷ 20.
Tuy nhiên, bộ phim tài liệu The Stringer công chiếu tại Liên hoan phim Sundance hồi tháng 1-2025 cho rằng người chụp thực sự là ông Nguyễn Thành Nghệ - một tài xế làm việc cho NBC, đồng thời cộng tác bán ảnh cho AP.
Ông Nguyễn Thành Nghệ cũng xuất hiện tại buổi chiếu phim ở Sundance và xác nhận toàn bộ câu chuyện trong phim.
Theo lời kể trong phim, ông Nghệ đã bán bức ảnh cho trưởng phòng ảnh AP tại Sài Gòn với giá 20 USD và giữ lại một bản in.
Các nhân chứng trong phim, bao gồm người thân ông Nghệ, các phóng viên ảnh kỳ cựu từng làm việc tại Việt Nam và cả chuyên gia pháp y, đều khẳng định khả năng cao Nick Út không phải là tác giả thật sự.
Trước sức ép dư luận, World Press Photo buộc phải mở cuộc điều tra độc lập từ tháng 1 đến tháng 5-2025.
Kết luận cho biết dựa trên vị trí, khoảng cách và loại máy ảnh sử dụng trong ngày hôm đó, khả năng cao người chụp là ông Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc - một phóng viên khác có mặt tại hiện trường, so với Nick Út.

Dù không phủ nhận tính xác thực của bức ảnh, tổ chức này đã quyết định tạm ngưng xác nhận Nick Út là tác giả. Tuy nhiên, kết quả giải thưởng Ảnh báo chí thế giới năm 1973 vẫn được giữ nguyên.
"Đây là một phần lịch sử còn nhiều tranh cãi và rất có thể chúng ta sẽ không bao giờ xác định được chính xác ai là người chụp. Việc tạm ngưng công nhận tác giả sẽ được giữ nguyên cho đến khi có bằng chứng rõ ràng hơn", World Press Photo khẳng định.
Trước đó vào ngày 7-5, Hãng thông tấn Associated Press (AP) đã công bố báo cáo dài 97 trang, tuyên bố vẫn giữ nguyên tác quyền ảnh Em bé napalm của Nick Út. AP khẳng định không có bằng chứng thuyết phục để thay đổi thông tin tác giả. Họ thừa nhận "có khả năng" Nick Út là người chụp, đồng thời không tìm thấy bằng chứng cho thấy ông Nghệ thực hiện bức ảnh. AP nhấn mạnh, sau hơn 50 năm, việc kiểm chứng chính xác là vô cùng khó khăn do thời gian đã xóa nhòa bằng chứng, thiết bị hạn chế và nhiều nhân chứng chủ chốt đã qua đời. Người phát ngôn Lauren Easton cho biết: "Phân tích hình ảnh sâu rộng, phỏng vấn nhân chứng và kiểm tra toàn bộ ảnh chụp ngày 8-6-1972 cho thấy có khả năng Út đã chụp bức ảnh này. Không có tài liệu nào chứng minh người khác đã chụp". |
Ý kiến ()