
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý vào nhiều nội dung dự thảo luật, nghị quyết quan trọng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ để đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quan tâm về nội dung văn bản của UBND cấp xã, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiện nay tại khoản 4, Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp” và “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.

Với quy định nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn UBND xã là cấp hành chính thấp nhất, nếu phân cấp thì phân cấp cho ai? Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến chỉ đạo cũng như thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Theo đó, yêu cầu bỏ quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực tế bối cảnh hiện nay cấp xã phải gần dân, sát dân, nếu quy định cấp xã lại tiếp tục phân cấp nữa thì không hợp lý.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị tại khoản 1 Điều 1 có bổ sung nội dung: "Trong thời gian giữa các đợt của kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tập trung thực hiện các công việc thuộc nội dung kỳ họp" nên bỏ quy định "tập trung thực hiện các công việc nội dung thuộc nội dung kỳ họp", hoặc nếu có quy định nên giới hạn lại nhóm đối tượng thực hiện cụ thể, ví dụ như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách phù hợp hơn việc tất cả các đại biểu cùng phải thực hiện nhiệm vụ nội dung giữa hai đợt của kỳ họp.
Khoản 2, điều 1 quy định "Kỳ họp thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu" và bổ sung thêm một khổ cuối trong khoản 2 là "để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Theo đại biểu, quy định này không cần thiết vì đương nhiên họp thường lệ và họp bất thường, họp không thường lệ cũng là câu chuyện khi có yêu cầu, các nội dung đều phải thực sự quan trọng, cần thiết và cấp bách mới tổ chức họp.
Tại điều 3 trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, trong khoản 1 đang bổ sung một điều khoản: "Tăng cường đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ kỳ họp, phiên họp, các vấn đề nội dung thuộc thẩm quyền và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp của Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội", đại biểu đề nghị bỏ từ "tăng cường" trong xây dựng văn bản Luật. Văn bản này là văn bản của Đảng nên thay thế bằng "phát động phong trào, triển khai" sẽ hợp lý hơn.
Tham gia vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị cần phải có rà soát sửa đổi đối với khoản 2 của Điều 57 quy định về "văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực". Theo đó, nội dung quy định phải làm rõ hơn để người dân và doanh nghiệp yên tâm trong thực hiện.

Cùng góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Tại Điều 17 về phiên họp toàn thể của Quốc hội hiện nay đang quy định: "Thời gian trình bày các dự án luật, tờ trình từ 15 phút xuống 7 phút", quy định thời gian này nên xem xét để các cơ quan trình đảm bảo thời gian để nêu được những vấn đề cốt lõi, những nội dung trọng tâm nhất đối với dự án luật mới, luật khó hay luật có phạm vi lớn.
Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị đối với khoản 13, 14 của điều 1 quy định về việc ban hành nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã cũng cần phải tính đến phương án khi thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bởi vì khi thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có thể sẽ không áp dụng HĐND và không gọi là UBND mà dùng Ủy Ban hành chính. Do đó, nên có quy định để bao hàm tất cả các nội dung chính quyền địa phương cấp cơ sở.
Ý kiến ()