
Vùng mỏ và ý chí, khát vọng độc lập, tự do
Quảng Ninh là vùng đất nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí trọng yếu trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vùng đất và con người nơi đây luôn “chung lưng đấu cật” cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Được ví là “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam, xét về vị trí, địa hình, vùng đất Quảng Ninh có thế đứng cao, có chiều sâu, là điểm tựa vững chắc cho tầm nhìn hướng ra biển của Việt Nam.

Ngược dòng thời gian về cuối thế kỉ XIX - năm 1874, trong tiến trình xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp ép nhà Nguyễn kí Hiệp ước Giáp Tuất, trong đó có điều khoản mở thêm cảng Hòn Gai cho tàu thuyền ngoại quốc vào buôn bán. Năm 1882, khi xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, Pháp đồng thời đã cử các đoàn kỹ thuật đến khảo sát, thăm dò khu mỏ, mang than từ mỏ Hà Lầm về Pháp phân tích. Nhận thấy chất lượng than tốt, trữ lượng dồi dào, điều kiện khai thác và chuyên chở dễ dàng, chúng rất vui sướng và hy vọng vào nguồn lợi này. Ngày 12/3/1883, Pháp đánh chiếm Quảng Ninh và sau đó đặt đại bản doanh quân sự tại Móng Cái và Phả Lại, biến khu mỏ thành vùng nằm kẹp giữa hai gọng kìm quân sự và thiết lập bộ máy thống trị ở đây. Trong các cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã ra sức vơ vét tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên than đá của Quảng Ninh.
Theo các tư liệu lịch sử, ngày 28/4/1888, một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Société Francaise des charbonnages du Tonkin, viết tắt là S.F.C.T, dịch nghĩa là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ. S.F.C.T được quyền quản lý, khai thác vùng đất nhượng rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng đảm bảo cho tàu trọng tải 3.000-10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1.000kW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ. Đồng thời, người Pháp nhanh chóng bắt tay xây dựng những công trình hạ tầng, như: Cổng vòm, nhà điều hành, biệt thự cai ký, chủ mỏ, nhà tù, nhà máy sàng rửa than, 1 cây cầu tàu và 2 sàn tàu... Đây là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương.

Về mặt hành chính, khu mỏ Quảng Ninh đặt dưới sự quản lý của công sứ Quảng Yên và Hải Dương. Về mặt quản lý, các công ty mỏ của Pháp chủ yếu do chính quyền thực dân điều hành nhưng trong một chừng mực nhất định, trực tiếp do bọn chủ mỏ cai quản. Mỗi mỏ chính là một bộ máy bạo lực, thực hiện cưỡng bức lao động, có hệ thống mật thám dày đặc, tổ chức chặt chẽ, hoạt động cả công khai, cả trá hình.
Chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa tàn bạo của thực dân Pháp đã vắt kiệt sức lao động của những người thợ mỏ, bần cùng hóa người nông dân, biến họ thành những người vô sản. Do vậy, lực lượng công nhân mỏ ngày càng đông đảo, họ xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, sống đoàn kết, quần tụ thành các xóm thợ, lán thợ, làng công nhân, khu phố thợ... Vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành một trong những cái nôi đầu tiên sản sinh ra giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành trung tâm đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất.

Hoạt động khai thác mỏ thời bấy giờ hoàn toàn thủ công, thợ mỏ làm việc trong môi trường vô cùng khổ cực, được ví là “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”, hàng vạn thợ mỏ phải sống trong cảnh nô lệ, lầm than, chịu đựng khổ sai, cúp phạt, đòn roi, ăn đói mặc rét: “Oằn lưng đội thúng than đầy/ Nửa lon gạo hẩm suốt ngày cầm hơi”.
Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là trong đấu tranh chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” sớm được hình thành và hun đúc. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã thắp sáng lên ngọn lửa đấu tranh ở Vùng mỏ, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên truyền thống đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới, trở thành một phẩm cách văn hóa của nhân dân Vùng mỏ.

Cuối tháng 2/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Quảng Ninh đã được thành lập ở Mạo Khê. Tiếp đó trong tháng 4/1930, hai Đảng ủy mỏ được thành lập: Đảng ủy Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng ủy Đông Triều. Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đặc khu Hòn Gai. Trong thời kỳ vận động cách mạng (1930-1939), Trung ương Đảng đã bí mật cử nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng về hoạt động lãnh đạo và gây dựng phong trào đấu tranh cách mạng trong đội ngũ công nhân và nhân dân lao động Vùng mỏ. Tại đây, liên tục từ năm 1930 đến năm 1939 đã nổ ra nhiều phong trào đấu tranh cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chính sách áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp. Tiêu biểu là cuộc Tổng đình công của hơn 30.000 công nhân mỏ, nổ ra ngày 12/11/1936, buộc chủ mỏ phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang, mở ra một thời kỳ mới cho giai cấp công nhân Việt Nam, đó là thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp đúng đắn và có sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu bước trưởng thành của công nhân mỏ, tạo tiền đề cho những thắng lợi sau này. Sự kiện lịch sử cuộc Tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ với tinh thần đoàn kết “Kỷ luật và Đồng tâm”, dưới sự lãnh đạo của Đảng chống lại chế độ áp bức của thực dân Pháp và tay sai đã giành thắng lợi vang dội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển, lớp lớp thợ mỏ luôn gìn giữ, hun đúc truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tạo nên sức mạnh nội sinh của ngành Than và công nhân Vùng mỏ…
Đầu năm 1945, tình hình ở khu mỏ rất phức tạp, thực dân Pháp đầu hàng và dâng khu mỏ cho phát xít Nhật. Phát xít Nhật đã đàn áp, bắt bớ, đánh đập công nhân rất dã man. Dù đói khát, cực khổ nhưng anh em thợ mỏ vẫn bí mật hoạt động cách mạng, tham gia phá hoại máy móc, tài sản của bọn chủ lò. Thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cả Vùng mỏ chịu cảnh sống trong nạn đói khi phát xít Nhật tàn bạo vơ vét hết thóc gạo, đánh đập hành hạ dã man người dân vô tội. Mỗi buổi sáng mở cửa ra là dẫm phải xác người chết. Tình hình xã hội vô cùng hỗn loạn. Lòng căm thù với phát xít Nhật, Pháp càng thêm sôi sục. Nó biến thành làn sóng khởi nghĩa mạnh mẽ mà không một lực lượng phản động nào dám ngăn cản và chống lại.
Sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Đảng, làn sóng khởi nghĩa từng phần đã dâng lên sục sôi ở Vùng mỏ. Ngay trong thời kỳ tiền khởi nghĩa này, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trước khi Chỉ thị khởi nghĩa từng phần của Trung ương về tới địa phương.

Giữa tháng Tám năm 1945, hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa, không khí cách mạng ở Vùng mỏ càng thêm sôi sục. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Vùng mỏ đã vùng lên, đấu tranh giành chính quyền cách mạng, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Từ ngày 13/8 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa do Tổng bộ Việt Minh thành lập đã ra quân lệnh số 1. Thực hiện triệt để chủ trương khởi nghĩa của Đảng và quân lệnh của ủy ban Khởi nghĩa, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bừng bừng khí thế đứng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật. Ngày 17/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Uông Bí đã được thành lập. Ngày 24/8/1945, trước cuộc mít tinh lớn của nhân dân Quảng Yên, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành lập và ra mắt công chúng.
Tại Hòn Gai và Cẩm Phả, việc giành chính quyền gay go hơn bởi bọn Việt Cách cũng đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo quần chúng hòng cướp chính quyền. Ủy ban quân sự cách mạng Chiến khu Đông Triều đã cử một trung đội du kích ra Hòn Gai hỗ trợ lực lượng Việt Minh. Chiều 24/8/1945, một cuộc mít tinh lớn của đông đảo quần chúng đã được tổ chức tại sân Cây Tháp. Bọn Việt Cách định lợi dụng cuộc mít tinh để tuyên truyền, khoa trương thanh thế. Một cán bộ Việt Minh đã lên bục nói chuyện, phất cao cờ đỏ sao vàng, phổ biến các chính sách của Việt Minh. Lập tức, nhân dân đã hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Ngày 26/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Hòn Gai được thành lập, ra mắt công chúng. Hàng ngàn quần chúng đã tuần hành qua phố chính Hòn Gai, biểu dương lực lượng ủng hộ Việt Minh.
Trong khi đó ở Cẩm Phả, với sự hỗ trợ của một trung đội Đại đội Ký Con, nhân dân Cẩm Phả đã kiên quyết đấu tranh xua đuổi bọn Việt Cách, đón chào lực lượng cách mạng về giải phóng. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn Việt Cách phải rút chạy về Ba Chẽ. Ngày 27/9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Cẩm Phả được thành lập.
Ở các huyện miền Đông, một số nơi tiến hành khởi nghĩa tự quản. Chính quyền cách mạng được thành lập ở Tiên Yên vào tháng 10/1945, ở Bình Liêu cuối tháng 11/1945, ở Đầm Hà tháng 2/1946, ở Hà Cối tháng 4/1946. Huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) là địa phương lập chính quyền muộn nhất, ngày 4/10/1946.

Có thể nói, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, vùng đất và con người Quảng Ninh càng phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất. Tinh thần đấu tranh từ khẩu hiệu của cuộc Tổng đình công năm xưa không chỉ được phát huy qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng mà còn là hành trang vô giá của người Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày nay, thể hiện sự tiếp nối giá trị văn hóa giữ nước của các thế hệ cha ông, được nâng lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Với tiềm năng, lợi thế và khát vọng cống hiến, chắc chắn nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và kiên cường cách mạng của các thế hệ cha ông, bản lĩnh và sáng tạo để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, khẳng định vị thế, sức bật mạnh mẽ của Vùng mỏ trong thời gian tới.
Ý kiến ()