
Ba Chẽ nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội
Ba Chẽ có 23.938 người dân sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 80,5%. Song song với nỗ lực phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội của huyện được quan tâm chỉ đạo sâu sắc, từng bước bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ba Chẽ đã tập trung triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội, thể hiện qua việc chi trả trợ cấp hằng tháng và ưu đãi cho người có công, chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho 880 người với tổng số tiền 632 triệu đồng; chi trả cho 84 người có công với số tiền hơn 271 triệu đồng; thăm, tặng quà Tết Nguyên đán 3.451 suất quà, tổng số tiền hơn 1,95 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt 4 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở năm 2025.
Không chỉ dừng lại ở đối tượng người lớn tuổi, huyện còn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em với nhiều hoạt động thiết thực. Từ năm 2024 đến nay, huyện đã mở 12 lớp dạy bơi và 22 lớp năng khiếu, nhằm trang bị kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đăng ký đỡ đầu 21 trẻ em không may mất nguồn nuôi dưỡng với tổng số tiền hỗ trợ trên 130 triệu đồng trong năm 2024.
An sinh xã hội không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về mặt vật chất mà còn bao gồm việc tạo cơ hội để người dân có thể tự vươn lên, ổn định cuộc sống thông qua việc làm. Trong quý I/2025, huyện Ba Chẽ đã đăng ký kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng số 6 lớp, 120 lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cũng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 11/3/2025, huyện đã giải quyết việc làm tăng thêm cho 172 người, đạt 31,3% kế hoạch giao.

Bên cạnh đó, Ba Chẽ còn chú trọng phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân; trong đó có phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và nông nghiệp sinh thái, phát triển các Tổ hợp tác, HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ… 3 tháng đầu năm 2025, Ba Chẽ đã triển khai thực hiện 3 mô hình khuyến nông. Qua đó, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ, mang lại việc làm ổn định cho người dân. Huyện cũng chú trọng phục hồi và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn và các loài cây có giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện tính đến ngày 15/3 là 3.397,5/5.000ha.
Nhận thấy tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, Ba Chẽ thường xuyên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương…
Bà Chíu Thị Phương, thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết: Thời gian qua, bà con dân tộc ở Ba Chẽ được quan tâm rất nhiều. Chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế; tạo công ăn, việc làm, mà còn chú ý đến bảo vệ sức khoẻ cho bà con, đầu tư đường giao thông, trường học để người dân đi lại thuận tiện; con em được học hành bài bản. Đời sống của bà con ngày càng khá giả.
Nhờ vậy, năm 2024, Ba Chẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương; chỉ còn 1% hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Để giảm nghèo bền vững trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2025, huyện đã hoàn thành xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu không phát sinh hộ nghèo và tiếp tục giảm thiểu tỷ lệ hộ cận nghèo trên địa bàn.
Công tác an sinh xã hội không chỉ giới hạn ở các vấn đề vật chất, mà còn bao gồm cả việc chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Trong quý I/2025, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội sau Tết Nguyên đán như Phiên chợ vùng cao, Lễ hội Đình Tân Tiến, Lễ hội Đình Làng Dạ, Lễ hội Đình Đồng Chức và hội Lồng Tồng. Ước tính trong quý I đã có 16.000 khách du lịch, thăm thân, vãn cảnh du xuân, lễ hội trên địa bàn, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2024.
Cùng với đó, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội ở Ba Chẽ cũng gắn liền với phát triển hạ tầng xã hội. Nhiều xã đã huy động nguồn lực để cải tạo nhà văn hóa thôn, nâng cấp trạm y tế xã, mở rộng đường giao thông nội đồng…
Những hoạt động và nỗ lực vừa qua cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Ba Chẽ trong việc chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng” trong công tác an sinh xã hội, qua đó giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo đà cho sự phát triển bền vững của huyện.
Ý kiến ()