
Vì một Hạ Long xanh
Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long sẽ là một khu vực trung tâm, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn là một đơn vị dẫn đầu về bảo vệ môi trường và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đặt ra thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện là bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch một cách bền vững. Quảng Ninh đã thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao ngang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, như: Vingroup, Sungroup, FLC, BIM, Tuần Châu,… làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Quảng Ninh; du lịch Quảng Ninh dần vươn tới và hội nhập với thế giới về chất lượng dịch vụ, trở thành điểm sáng về phát triển du lịch của Việt Nam và khu vực trong tương lai.
Quan điểm phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách. Môi trường du lịch có hấp dẫn khách du lịch hay không trước tiên phải kể đến các yếu tố tài nguyên du lịch. Khách du lịch đến mục đích của họ là tham quan, để thoả mãn nhu cầu thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và trong lành. Chính vì điều đó, việc bảo vệ và cải thiện môi trường được coi là nhiệm vụ số 1 trong chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh. Theo đó, từ nhiều năm trước, tỉnh đã chú trọng các giải pháp đảm bảo sự cân đối hài hoà giữa phát triển du lịch với các kế hoạch, các phương án quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác theo một nội dung thống nhất trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Thực tế cho thấy, Quảng Ninh đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm đến môi trường biển. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long như di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại...) trên Vịnh Hạ Long. Do đó, việc chấm dứt hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng, di chuyển các hoạt động sàng tuyển than ra khỏi trung tâm đô thị du lịch nhằm đảm bảo môi trường, phát triển không gian đô thị, tạo cảnh quan tốt, cải thiện môi trường du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch tỉnh Quảng Ninh là yêu cầu cấp bách. Theo cam kết với tỉnh, đến 31/12/2018, TKV sẽ chấm dứt hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng, di chuyển hoạt động sàng tuyển, chế biến than về Trung tâm chế biến và kho than tập trung tại khu vực Làng Khánh, TP Hạ Long. Sàng tuyển than sử dụng công nghệ cao, hiện đại thay cho phương thức sàng tuyển thủ công, công nghệ đơn giản ở các mỏ hiện tại và khép kín đồng bộ băng tải chuyển than từ các mỏ lân cận sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do các mỏ gây ra.
Những giải pháp quyết liệt trên của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân và từng bước hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030, Vịnh Hạ Long cùng với thành phố Hạ Long sẽ trở thành biểu tượng về một trung tâm “Tăng trưởng xanh” cấp ASEAN.
Lê Hải
Ý kiến ()