“Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn"
Chuyện bắt chước câu nói của nhà báo Lại Văn Sâm "Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn" không gây nguy hại. Nhưng nếu nền giáo dục mà cứ theo kiểu bắt chước “Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn!” thì nguy to, nó làm mất đi tính sáng tạo của cả thầy và trò.
Khi mới dẫn chương trình truyền hình, nhà báo Lại Văn Sâm đã tạo được không khí mới trên truyền hình. Câu nói của anh trên truyền hình: “Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn!” đã được “nhân rộng”. Khi ấy, người dẫn chương trình khắp nơi đều “Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn!”.
Chuyện bắt chước đó không gây nguy hại nhưng nó làm cho cuộc sống chúng ta đơn điệu, nhàm. Nhưng nếu nền giáo dục mà cứ theo kiểu bắt chước “Vâng, vâng, xin cám ơn, xin cám ơn!” thì nguy to, nó làm mất đi tính sáng tạo của cả thầy và trò. Ngày hôm qua 11-8, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta mới té ngửa: Bài văn điểm 10 duy nhất của kỳ thi tuyển vào đại học vừa qua lại chép từ sách bài văn mẫu. Đây là minh chứng “cười ra nước” mắt về hệ quả của “Thầy đọc, trò ghi”, “văn có bài mẫu, toán có lời giải”. Năm ngoái, khi các báo giới thiệu các bài văn được điểm 10 thi vào đại học, có người đã nghi ngờ rằng, cách diễn đạt của các bài văn này hao hao giống nhau, rất có thể đều từ các bài văn mẫu. Đấy là mẫu cả bài, còn mẫu từng ý, từng câu thì sao mà phát hiện được. Bài văn điểm 10 trên giống gần như nguyên văn với bài văn mẫu được in trong cuốn sách “Kiến thức cơ bản văn học 12” của NXB Tổng Hợp TP.HCM, tháng 12-2005. Nhưng nếu bài thi này không được công khai trên báo chí thì cũng khó phát hiện ra việc “đạo văn”.
Cách ra đề hiện nay cũng góp phần khuyến khích việc dùng “phao” để chép, chứ không khuyến khích tư duy sáng tạo của thí sinh. Nhưng ra đề kiểu này lại dễ dàng cho việc soạn đáp án, dễ dàng cho người chấm bài. Giảng viên Nguyễn Hà (Đại học Khoc học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) đánh giá kiểu ra đề và chấm thi này là “Máy ra đề” và “máy chấm”. Ra đề thi phải phát huy tính tự do sáng tạo của học sinh và nhất là học sinh không thể “bê nguyên xi” ở bất kỳ sách nào, tài liệu ôn thi nào vào bài thi. Các đề thi văn trong kỳ thi tuyển vào đại học ở Trung Quốc (Báo Văn nghệ số 27, ngày 8-7-2006 đã giới thiệu 8 đề thi) đã đạt được yêu cầu này, chúng ta cần tham khảo.
Trở lại chuyện bài thi được điểm 10 trên, nếu xác định là “đạo văn” thì bài văn trên có còn được 10 điểm? Kể cũng khó tước bỏ điểm 10 này, vì bài thi không phạm quy chế khi học sinh thuộc lòng bài văn mẫu! Cách đánh giá này dẫn đến sự trớ trêu là học sinh “giỏi mà không phải giỏi”. Một nền giáo dục mà điểm cao nhất lại không thể để đánh giá bài làm tốt nhất của học sinh thì phải cần cải cách.
Ý kiến ()