
Vai trò quản lý của ngư dân
Nhiều tháng qua cả tỉnh Quảng Ninh rầm rộ với chiến dịch ngăn chặn các hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt, cấm vĩnh viễn việc buôn bán, sử dụng các loại dụng cụ khai thác hủy diệt như: Lưới kéo tầng đáy, te (xiệc), lưới rê tầng đáy, chất nổ, xung điện…
Qua kiểm tra việc khai thác mang tính tận diệt đối với các loài thủy hải sản chủ yếu tập trung ở khu vực ven bờ và chủ yếu ở đối tượng ngư dân có tàu thuyền công suất nhỏ. Dù rằng các cơ quan chức năng, các địa phương đều đã rất mạnh tay trong xử lý, tăng cường lực lượng, thời gian kiểm tra nhưng những vi phạm lĩnh vực này vẫn cứ diễn ra.
“Không thể khai thác công khai thì bà con ngư dân lén lút, biển thì rộng, dài, lực lượng lại mỏng, phương tiện ít nên vô cùng khó trong kiểm soát. Đó là chưa kể vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình đều trông chờ vào những giờ thả lưới vụng trộm đó nên hầu hết các trường hợp bị phạt, tịch thu dụng cụ hôm nay, ở chỗ này thì mai di chuyển sang chỗ khác mua dụng cụ mới về lại vi phạm” - một cán bộ kiểm ngư của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết như vậy.
Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là vùng biển đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi với 315 loài cá và 450 động vật thân mềm, trong đó có những loại thuỷ sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn. Thế nhưng hiện nay tính đa dạng đang ngày càng giảm sút, có những loại thuỷ sản quý hiếm giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí biến mất, như: Bào ngư 7 lỗ ở Cô Tô; tôm he Mĩ Miều (Hải Hà); tôm hùm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng ở Vân Đồn, Móng Cái...
Những ngày này khi mùa tôm, cá vào các vùng nước ven bờ, lặng sóng trong lòng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long để đẻ trứng thì trên các chợ cá dọc ven biển Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn dày đặc những mẹt cá chã, con bằng ngón tay hay to hơn tất tật đều trong cái mẹt đó. Hẳn rằng để đánh bắt được những con tôm, con cá đó, ngư dân chắc chắn đã dùng đến những ngư cụ như lưới mắt nhỏ, xiệc, xung điện, lồng bát quái…
Nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt không còn là nguy cơ mà đã là thực tế đang xảy ra trên các vùng biển của Quảng Ninh hiện nay (một trong 4 vùng trọng điểm về thủy sản của cả nước). Cùng với sử dụng các chế tài mạnh để tăng cường quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt với các hộ ngư dân; xây dựng đường dây nóng để xử lý các vụ việc liên quan đến vấn nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt; vận động người dân tố giác các hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt…
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề xuất Trung ương thay đổi những quy định của Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đó là đưa các phương tiện như rọ lồng bát quái hay các phương tiện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt vào danh mục cấm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và sử dụng. Đề nghị cho Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên được thí điểm triển khai mô hình cấm kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và sử dụng các ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ....
Biển là cuộc sống của ngư dân, nếu ngư dân thông suốt được vai trò quản lý của mình thì nguồn lợi sẽ được bảo vệ, gìn giữ.
Ngọc Lan
Ý kiến ()