20
18
/
824342
Ước mơ đến trường từ... giường bệnh
longform
Ước mơ đến trường từ... giường bệnh

 

Năm học mới đã bắt đầu, nhưng có những cô bé, cậu bé vẫn đang nằm trên giường bệnh, gắn chặt với đơn thuốc, kim tiêm. Lịch học phải nhường chỗ cho lịch tiêm, truyền thuốc. Có những nụ cười mạnh mẽ, có những giọt nước mắt đáng thương. Dù vậy, sau tất cả, điều đọng lại lớn nhất chính là sự lạc quan, là những giấc mơ đã trở thành động lực giúp các em mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật.


 

Mẹ của Na Na vỗ về, an ủi khi em tủi thân, khóc vì căn bệnh của mình.
Mẹ của La Na vỗ về, an ủi khi em tủi thân, khóc vì căn bệnh của mình.

Những ngày này, số bệnh nhi ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã vơi bớt. Bởi năm học mới bắt đầu, nhiều em đã xin điều trị ngoại trú để được đến trường. Tuy nhiên, vẫn có những bạn nhỏ phải tiếp tục nằm viện. Ở Khoa Ngoại nhi chuyên khoa, bác sĩ đã quá quen với em Hoàng Thị La Na, dân tộc Tày, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, bệnh nhân mắc chứng thiếu máu bẩm sinh. La Na năm nay 15 tuổi nhưng căn bệnh thiếu máu khiến em nhỏ và gầy như học sinh lớp 3, lớp 4, làn da đen xạm, mái tóc lơ thơ. Em vừa truyền máu, vừa cười đùa với các bạn nằm chung phòng. Dường như chỉ có nụ cười là tràn đầy sức sống. Nhưng khi thấy có người lạ, em liền trùm chăn che mặt, nhất định không chịu nói chuyện.

Chia sẻ với chúng tôi, chị La Thị Viên, mẹ La Na kể: “Con mắc bệnh này từ năm 1 tuổi, đến bây giờ, bệnh viện đã là ngôi nhà thứ 2 của con. Trước đây cứ 3 tháng phải vào viện truyền máu 1 lần, nhưng bây giờ tháng nào con cũng phải vào viện, mỗi lần phải nghỉ học 3-4 ngày. Con cũng thích đến trường lắm, nhưng do bị bệnh nên không đi học đều giống các bạn. Thương con lắm, nghĩ đến là rơi nước mắt”. Nói đến đây, giọng chị Viên như nghẹn lại, đôi mắt rơm rớm. Thấy mẹ khóc, La Na không cho mẹ nói, em cũng khóc theo, toàn thân run lên bần bật. Chị Viên bảo, con tủi thân, không muốn nhắc đến bệnh của mình. Tiếng khóc càng to, mẹ em phải đến bên vỗ về, nhưng vẫn không dứt. Hoàn cảnh gia đình La Na còn nhiều khó khăn, nhưng may mắn có BHYT nên cũng đỡ đi phần nào chi phí.

Ra khỏi phòng bệnh, tôi cảm thấy áy náy khi mình khiến cô bé phải khóc. Đi cùng tôi, bác sĩ Phạm Văn Nam, người điều trị trực tiếp cho La Na giải thích, căn bệnh thiếu máu như của La Na không có thuốc chữa, chỉ có thể đến bệnh viện truyền hồng cầu thay thế và thải sắt suốt đời để có cuộc sống bình thường. Nếu việc điều trị trên không được thực hiện thì bệnh nhân có nhiều biến chứng như lá lách to, gan to, nhiễm sắt ở tim, gan, tuyến nội tiết, biến dạng xương… làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe, thể chất và đời sống của người bệnh, rất ít em sống được đến 10 tuổi. Sự sống của La Na là nỗ lực rất lớn của gia đình và chính bản thân em. 

Năm học mới đã bắt đầu được 2 tuần nhưng không chỉ La Na mà nhiều em nhỏ khác cũng đang phải bỏ lỡ những tiết học trên lớp cùng thầy cô, bạn bè. Nguyễn Việt Duy, lớp 7D, Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long, điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đang mong ngóng từng ngày để được trở về đi học. Em bảo: “Mùng 5/9 vừa khai giảng xong thì bệnh viêm mao mạch dị ứng của em tái phát. Em phải nhập viện, tập vở mới mua còn chưa ghi được chữ nào. Cả ngày ở bệnh viện, chỉ có nằm và uống thuốc, em nhớ thầy cô, bạn bè lắm”. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Duy đáp: "Em thích làm ca sĩ, vì ca sĩ sẽ nổi tiếng”. Nói rồi Duy cất giọng hát theo một giai điệu vui tươi của bài “Việt Nam ơi”. Dù giọng vẫn còn khàn nhưng em vẫn rất tự tin thể hiện, nụ cười rạng rỡ trên môi. Vừa tranh thủ pha cốc nước cam cho con, chị Phạm Thị Quyên vừa kể, Duy là học sinh giỏi 6 năm liền, là cán bộ lớp gương mẫu và niềm tự hào của gia đình. Tôi chỉ mong con sớm khỏi bệnh để tiếp tục đến trường, đi học cùng bạn bè.

Cũng phải nằm viện hơn 10 ngày vì viêm họng cấp, Bùi Huy Phúc năm nay mới vào lớp 1 nhanh nhảu trò chuyện với chúng tôi. Đôi mắt nhanh nhẹn, Phúc làm theo mọi sự hướng dẫn của bác sĩ. Em còn biết pha trò khiến bác sĩ cũng phải bật cười. Phúc là con thứ 2, anh của em bị tự kỷ nên Phúc luôn được mẹ nhắc nhở phải chăm sóc và yêu thương anh của mình. Dù còn rất nhỏ, nhưng mỗi khi khó thở, Phúc không làm nũng hay khóc, em nói với mẹ: “Con muốn làm công an. Làm công an thì phải mạnh mẽ, thì mới chăm sóc được cho anh”. Nói đến đây, mẹ em cũng rơm rớm vì xúc động, Phúc hồn nhiên lấy tay lau nước mắt cho mẹ. Chỉ nay mai, Phúc sẽ được ra viện, mạnh khỏe để bắt đầu những năm tháng đầu tiên của mình dưới mái Trường tiểu học Lê Hồng Phong.

Nụ cười rạng rỡ của Huy Phúc.
Nụ cười rạng rỡ của Huy Phúc.

Mỗi bệnh nhi lại có một căn bệnh, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở các em, sự hồn nhiên của trẻ thơ luôn hiện hữu. Các em có ước mơ của mình và không ai muốn những ước mơ ấy lại bị trì hoãn. Vì vậy, để giúp các em vơi bớt nỗi nhớ trường lớp, sáng 5/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long đã phối hợp tổ chức một lễ khai giảng đặc biệt với chủ đề "Ước mơ khai giảng từ giường bệnh" dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện. Lễ khai giảng đặc biệt, chan chứa yêu thương được tổ chức ngay tại Khoa Nhi - nơi tập trung đông bệnh nhi đang nằm điều trị. Qua tiếng trống khai trường rộn ràng cùng những tiết mục văn nghệ hấp dẫn do chính học sinh Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện biểu diễn, chương trình đã đem lại không khí vui tươi, háo hức chào đón năm học mới nhằm động viên tinh thần cho các bệnh nhi. Hi vọng, các em sẽ sớm mạnh khỏe, tiếp tục đến trường và thực hiện ước mơ còn dang dở của mình.

Lễ khai giảng đặc biệt với chủ đề
Lễ khai giảng đặc biệt với chủ đề "Ước mơ khai giảng từ giường bệnh" dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bài, ảnh: Dương Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu