20
18
/
807682
"Từng là người lính, tôi thấu hiểu những hy sinh, mất mát trong chiến tranh"
longform
"Từng là người lính, tôi thấu hiểu những hy sinh, mất mát trong chiến tranh"

 

Phóng viên Báo Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với nhà văn Dương Hướng về vấn đề này.Là người lính trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi cầm bút viết văn, nhà văn Dương Hướng trăn trở rất nhiều về đề tài chiến tranh cách mạng. Nhà văn Dương Hướng viết về chiến tranh không chỉ ở sự hy sinh của những người lính ngoài tiền tuyến mà bằng cái nhìn nhân văn từ phía những người phụ nữ mất mát thiệt thòi ở phía hậu phương. "Bến Không chồng" là tiểu thuyết xuất sắc của ông đã 2 lần được dựng thành phim, được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.

Thưa nhà văn Dương Hướng! Bến quê, bến khách, bến Không chồng và nhiều bến khác nữa xuất hiện trong tác phẩm của ông. Có vẻ như ông thích biểu tượng bến sông ở làng quê nên hay đưa vào văn học?

Nhà báo nói rất đúng. Từ “bến” rất gợi cho ta hình dung ra nơi ta gửi gắm tình cảm về một nơi chốn ta sinh ra và lớn lên trưởng thành với bao kỷ niệm, bao dấu ấn của cuộc đời. Có thể nơi đó ta có được niềm vui, hạnh phúc  là nơi đã để lại cho ta những nỗi buồn. Và cũng có thể đó là nơi dành riêng cho những nỗi cô đơn, mất mát, thương đau. Đó chính là cái bến quê hương, bến sông xưa, bến đò xưa. Bến đợi, bến chờ, bến khách và cả cái “Bến Không chồng”nữa…

Nói tóm lại, bến đó chính là nơi dành riêng cho những ai đã sinh ra từ làng quê đều dễ cảm nhận được điều này nhất. Chính những nơi đây đã để lại trong ta những câu ca dao những câu dân ca, câu hát ru của mẹ. Đặc biệt làng Đông trong tiểu thuyết “Bến Không chồng”, làng Đoài trong tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”, làng Nguyệt Hạ trong tiểu thuyết “Trần gian đời người”.

Quote1.jpg
 

Điều này có xuất phát từ ca dao dân ca, từ hát chèo quê hương ông hay không?

Tất cả đều là hồn cốt hình bóng của làng quê mình, nơi có từ truyền thống hát chèo, yêu chèo và mê chèo. Ở làng quê tôi xưa, từ già đến trẻ đều thích hát chèo hiểu được chèo. Từ thời thơ ấu, tôi cũng đã bám theo cha mẹ anh chị đi xem hát chèo. Cha tôi là người đã tự tay làm cho tôi những cây đàn bầu, cây sáo, cây nhị, khuyến khích tôi tập bằng được. Và chèo đã thấm vào máu tôi từ ngày thơ ấu. Năm nay, tôi đã vào tuổi 70 mà vẫn còn mê hát chèo. Bữa nọ, tôi hát và gửi đăng lên một trang những người yêu chèo khiến bạn bè không ngờ đã vào tuổi “lên lão” mà hát chèo mùi mẫm phết (cười).

Có bạn còn hứng lên bảo giọng chèo của nhà văn chính là nỗi niềm làm nên tiểu thuyết “Bến Không chồng”, “Dưới chín tầng trời” và “Trần gian đời người”. Thực tế, trong cả ba tác phẩm nêu trên đều có những trang viết tôi dành riêng cho môn nghệ thuật chèo dân gian với những nhân vật có giọng hát chèo hay đến mê mẩn lòng người.

Và thực tế làng tôi cũng đã có những người nổi tiếng cả nước như: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan, Bích Kiên và Trung Anh. Nhìn rộng ra cái huyện Thái Thụy quê tôi nơi miền biển ăn sóng nói gió vậy mà lại có cả một đội ngũ hùng hậu hát chèo với những tên tuổi như: Quý Đôn, Đức Minh, Thúy Bằng, Sơn Chèo, Thanh Thản, Quang Phác, Nguyễn Hách, Đình Cương. Riêng nghệ nhân Bùi Thị Ngàng nay đã 81 tuổi hát chèo cổ rất hay.

Sở dĩ tôi nói hơi nhiều về điều này, về mảnh đất quê hương mình bởi từ lâu tôi đã sớm nhận ra cái giá trị địch thực, nhận ra sức sống trường tồn của một dân tộc chính là nhờ vào nền tảng văn hóa làng xã. Những câu ca dao dân ca, hát chèo, hát văn đã nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người.

Chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã sớm nhận ra điều này nên ông mới có góc nhìn thật sâu sắc về ý tưởng của 34 tập phim “Thương nhớ ở ai” dựa theo tiểu thuyết “Bến Không chồng”. Trong phim, ông đã khai thác triệt để về văn hóa tập tục làng quê khiến ta … sửng sốt. Những câu hát ru, những bài dân ca cứ lặp đi lặp lại suốt chiều dài 34 tập phim làm ta day dứt. Càng day dứt bao nhiêu ta càng nhận ra số phận con người, số phận các nhân vật trong tác phẩm đã phải trải qua một đời sống vô cùng khắc nghiệt…

 

Nhà văn Dương Hướng và một nữ diễn viên người Quảng Ninh trong quá trình thực hiện bộ phim
Nhà văn Dương Hướng và một nữ diễn viên người Quảng Ninh trong quá trình thực hiện bộ phim "Thương nhớ ở ai".

Trong cái nhìn về chiến tranh, ông ít khai thác hình ảnh người lính trên trận tuyến mà nhìn chiến tranh từ số phận của những người phụ nữ ở hậu phương. Vậy qua tác phẩm của mình, ông đã tìm ra những "bến đỗ" cho nhân vật của mình như thế nào?

Chính mình là người lính đã từng nhiều năm trải qua cuộc chiến tranh vô cùng khắc nghiệt, mình hiểu thấu hơn ai hết về cái bi hùng của cuộc chiến. Hình ảnh người lính, những chàng trai trên trận tuyến, chính là nguồn cơn dẫn đến những bi kịch cho những số phận những người phụ nữ nơi hậu phương. Những bi kịch mất mát trớ trêu của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương nó day dứt, nó đau đớn dai dẳng mãi tới đời con đời cháu chúng ta vẫn phải gánh chịu.

Điều này càng ngày tôi càng nhận ra rõ hơn bởi chính những năm qua đã có tới hơn chục các học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các trường đại học trong nước đã làm luận văn về các tác phẩm của tôi. Họ đã phân tích rất sâu qua mọi góc nhìn về tác phẩm về số phận của những nhân vật khiến tôi bất ngờ và bừng tỉnh về chính những gì mình đã viết ra.

Quote2.jpg
 

Còn "bến đỗ" cho những nhân vật trong các tác phẩm của mình ư? Như lão Vạn đấy thôi. Từ chiến trường Điện Biên chiến thắng trở về oai hùng biết bao vậy mà cuối đời phải tự tử, từ chối hạnh phúc từ chối cả chính đứa con đã mang dòng máu của mình. Bi kịch lớn của Nguyễn Vạn và của cả thời đại. Nhân vật Trần Tăng trong “Dưới chín tầng trời” quyền uy lẫy lừng thiên hạ cuối đời cũng phải về chết tức tưởi trên cánh mả Rốt của làng Đoài. Đấy "bến đỗ" của họ đấy chứ đâu.

Và còn vô vàn cái bến đỗ cho các nhân vật khác cũng đau đớn và dữ dội lắm thay…Từ bà Nhân, bà Hơn, cô Hạnh, Dâu Thắm, Tươi…mỗi người một số phận, mỗi người một bến đỗ khác nhau…Chẳng phải đó chính là do chiến tranh tạo nên?

Nhà văn Dương Hướng trăn trở về đề tài chiến tranh.
Nhà văn Dương Hướng trăn trở về đề tài chiến tranh.

Cùng một cái kết ở bến sông nhưng tiểu thuyết và điện ảnh đã xử lý không giống. Nguyễn Vạn trong tiểu thuyết chết ở Bến Không chồng còn Nguyễn Vạn trong  phim thì bỏ làng ra đi từ bến sông này. Ông nhận xét thế nào về cách xử lý trong điện ảnh như vậy?

Chuyện này cũng là điều bình thường bởi từ tác phẩm văn học chuyển thành phim đạo diễn có quyền hư cấu theo góc nhìn của điện ảnh. Riêng phim “Thương nhớ ở ai” đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã khai thác tác phẩm “Bến Không chồng” ở góc khác . Ông đã rất tài năng tinh nhạy nhìn ra vẻ đẹp cao qúy về văn hóa tập tục làng quê Việt Nam. Với những làn điệu dân ca, những lời hát ru đã làm nên bản sắc, làm nên vẻ đẹp tinh thần có lẽ ít đâu trên thế giới này có được như ở Việt Nam. Và điều quan trọng của tư tưởng của tác phẩm văn học và điện ảnh là cái đẹp ấy đã bị chính con người tàn phá đi.

Phim “Thương nhớ ở ai” không hẳn là dựa theo tiểu thuyết “Bến Không chồng” mà đạo diễn đã lấy cả những ý tưởng những chi tiết của các tiểu thuyết khác nữa vào. Như cán bộ văn hóa xã Ngô Quất, phá đình phá chùa ở tiểu thuyết “Trần gian đời người”. Còn cái kết của phim “Thương nhớ ở ai” có khác với tiểu thuyết là Nguyễn Vạn bỏ làng đi là vì phim đã phải quay lại cảnh kết này để giảm nhẹ sự dữ dội của phim cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của xã hội hiện nay. Nhân vật đóng vai Hạnh trong phim nói vẫn thích cảnh kết Nguyễn Vạn tự tử giống như trong tiểu thuyết “Bến Không chồng”. Nhân vật Nguyễn Vạn phải vĩnh viễn mất đi không bao giờ có thể quay đầu lại trong đời sống hiện đại ngày nay. Đó mới là ý tưởng của tác phẩm. Hạnh mang con về cho Vạn đó mới là tư tưởng nhân văn…

Quote3.jpg
 

Thưa ông, còn những nhân vật hiện tại mà ông đang ấp ủ để viết và chính bản thân tác giả của nó nữa sẽ đậu “bến” nào trong tương lai, “bến” tiểu thuyết hay “bến” truyện ngắn?

Đã hai năm nay phải tôi đầu tư vào kịch bản phim, không còn thì giờ dành cho tiểu thuyết và truyện ngắn nữa. Kịch bản phim “Dưới chín tầng trời” dài hơn 30 tập do tác giả Cao Nguyệt Nguyên và tôi đã dày công trăn trở đến nay đã tạm gọi là xong phần thô. Hơn 30 tập phim này có bối cảnh rộng hơn so với “Bến Không chồng”. Đặc biệt là những cảnh viết về chiến trường miền Nam có máy bay pháo binh bộ binh, trong hoàn cảnh hiện nay rất khó dựng nên phải viết lại. Sự thành công rực rỡ của phim “Thương nhớ ở ai” (đoạt 4 giải cánh diều vàng) đã khích lệ gây men cho kịch bản mới. Hy vọng, sẽ được các nhà đạo diễn đón nhận nồng nhiệt. Để làm được điều này đòi hỏi chúng tôi phải thật thận trọng xem xét kĩ lưỡng mọi điều…Rất mong được các bạn đọc và khán giả ủng hộ.

Nhà văn Dương Hướng (bên phải) và đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong một chuyến khảo sát bối cảnh để làm phim.
Nhà văn Dương Hướng (bên phải) và đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong một chuyến khảo sát bối cảnh để làm phim.

So với thế hệ của ông, các cây bút văn xuôi trẻ hiện nay đang rất loay hoay, nhạt nhòa. Ông nghĩ văn học trẻ Quảng Ninh sẽ đỗ “bến” nào?

Văn học trẻ Quảng Ninh mấy năm trước có một số cây bút nổi lên khá ấn tượng. Trước hết phải kể đến Uông Triều, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Dương Giao Linh, Vũ Thị Hạnh. Nhưng rồi 3 cây bút khá nhất: Uông Triều, Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên đã về Hà Nội. Uông Triều và Đinh Phương về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cao Nguyệt Nguyên về làm biên tập cho một công ty xuất bản sách.

Nâng niu, quý trọng đội ngũ văn học trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Vì thế, tôi thực sự buồn nghĩ lại ngày Uông Triều có ý định xin về Hội VHNT Quảng Ninh nhưng không được đón nhận. Sau đó, chính tôi cầm hồ sơ của tác giả Cao Nguyệt Nguyên đến văn phòng Hội đăng kí cũng không được nhận. Còn Đinh Phương thì về được vài năm cũng lại ra đi. Thế là hiện nay Hội trống vắng những người cầm bút, báo Hạ Long nay không có lấy một người có chuyên môn giỏi để làm biên tập. Tôi với tư cách của một nhà văn, với trách nhiệm của một ủy viên thường trực Hội VHNT Quảng Ninh, ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, tha thiết mong muốn các cấp lãnh đạo hãy nhìn thẳng vào thực trạng của Hội, của báo Hạ Long để giải quyết những hạn chế đang tồn tại.

Phạm Học (Thực hiện)

Ảnh: Phạm Học, nhân vật cung cấp

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu