Từ Tết trồng cây nhớ lời dạy của Bác
63 năm trước, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 28/11/1959. Đây được coi như lời kêu gọi mở đầu của Bác về việc thực hiện Tết trồng cây đầu xuân và được duy trì liên tiếp qua các năm đến ngày hôm nay.
Tại bài báo trên, Bác viết: “Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp v.v.. đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi. Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta yêu kính Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Trong các chuyến về thăm Quảng Ninh, Bác cũng luôn quan tâm, khích lệ nhân dân trồng cây, gây rừng.
Ngày 20/2/1960, nói chuyện với đồng bào tỉnh Hải Ninh tại cuộc mít tinh ở Móng Cái, Bác đã biểu dương: “Đồng bào, cán bộ, bộ đội và các cháu thiếu niên, học sinh trong tỉnh có phong trào lao động xã hội chủ nghĩa khá. Trong sản xuất, làm thuỷ lợi, tết trồng cây, xây dựng các nơi công ích, mọi người đều hăng hái tham gia. Như thế là tốt”. Bác căn dặn: “Trong việc trồng cây thì trồng cây nào phải săn sóc cho tốt cây ấy, trong năm bảy năm chúng ta sẽ có một nguồn thu hoạch rất to”. Trước đó 1 ngày, Bác đã đến thăm Lâm trường Đoan Tĩnh, động viên cán bộ, công nhân Lâm trường tích cực trồng cây gây rừng.
Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (1965), nói chuyện với quân và dân tỉnh Quảng Ninh tại Trường cấp 3 Hòn Gai, Bác không quên nhắc đến việc trồng cây: “Đẩy mạnh hơn nữa Tết trồng cây. Cho đến nay, có nơi làm khá, nhưng nhiều nơi còn kém. Phải làm cho Tết trồng cây thành một phong trào quần chúng vì mai sau nó sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho nhân dân. Nhân dịp này, Bác có lời khen đồng chí Voòng Tống Hôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hùng Tiến đã trồng được 12.000 cây và chăm sóc được 11.000 cây lên tốt”.
Trên đường trở về Hà Nội, Bác dừng chân nghỉ ở đồi thông Yên Lập (nay thuộc xã Minh Thành, thị xã Quảng Yên). Tới xã Phạm Hồng Thái, Bác đã nhắc nhở cán bộ, nhân dân xã: “Xã ta còn nhiều đất bỏ hoang lắm. Đảng uỷ xã phải lãnh đạo nhân dân tích cực trồng cây cho quê hương tươi đẹp, giàu có hơn. Riêng các cháu thiếu nhi, mỗi Tết trồng cho Bác 5 cây lấy gỗ”. Thực hiện lời dạy của Bác, mùa xuân năm 1966, cả xã đã trồng được 14 vạn cây bạch đàn, phi lao với tỷ lệ sống đạt 85%. Cứ như vậy, tính đến hết năm 1974, cả xã đã trồng được 2 triệu cây bạch đàn, phi lao, biến toàn bộ diện tích gần 100ha đồi trọc thành rừng cây xanh tốt. Riêng cây ăn quả, toàn xã có 5 vạn cây.
Không chỉ với các địa phương trong đất liền, với các đảo, Bác cũng luôn quan tâm, nhắc nhở nhân dân chú trọng trồng cây, gây rừng. Ngày 9/5/1961, khi thăm đảo Cô Tô, Bác căn dặn nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp”.
Hơn 60 năm qua, mỗi khi mùa xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác dặn. Không ai quên được lời thơ của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Ai cũng ý thức được rằng trồng cây cùng một lúc sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực: Điều hòa khí hậu, ngăn chặn thiên tai, lợi ích kinh tế, đem lại màu xanh nên thơ cho quê hương, xứ sở...
Giống như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tại Quảng Ninh, Tết trồng cây đã được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương thực hiện gắn với ngày khai xuân, bắt tay vào lao động, sản xuất đầu năm. Hoạt động này đã trở thành một nét đẹp văn hoá dịp đầu xuân.
Ý kiến ()