Tự hào và nỗi đau
Có những huy chương vàng lẽ ra đã nằm trên ngực nhưng đã bị tuột, lại có những huy chương vàng không nằm trong dự kiến nhưng đã lấp lánh cùng vận động viên VN. Là người yêu thể thao VN, tôi hết sức tự hào về những thành tích của điền kinh, vật tự do, bắn súng, karatedo, thể dục dụng cụ… đã đạt được trong kỳ SEA Games 24 này. Nhất là điền kinh. Chưa bao giờ ở đấu trường khu vực chúng ta lại có những thành tích rực rỡ như thế về điền kinh, môn thể thao hàng đầu trong bất cứ giải đấu nào trong hệ thống Olympic, môn thể thao mà chúng ta đã phấn đấu bao nhiêu năm nay để nâng dần thành tích, và tới hôm nay, với 8 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, điền kinh VN đã tự hào bước lên bục cao nhất ở đấu trường SEA Games này. Không thể nào quên những guồng chân tuyệt vời của Trương Thanh Hằng, những bước chạy bứt tốp trong đau đớn của Nguyễn Đình Cương, những cú nước rút ở 15 mét cuối cùng của Vũ Thị Hương. Và trong 10 môn phối hợp, Vũ Văn Huyện đã mang về tấm HCV phá kỷ lục SEA Games. Chỉ 4 VĐV này đã chiếm tới 7 huy chương vàng điền kinh SEA Games 24, và phá tới 4 kỷ lục SEA Games, điều chưa từng xảy ra với điền kinh VN ở một đấu trường khu vực. Dù chỉ bay qua mức xà 1m88, nhưng Bùi Thị Nhung vẫn là cô gái nhảy cao nhất Đông Nam Á. Chỉ tiếc, Nguyễn Duy Bằng đã không mang được chiếc HCV thứ 2 về nhảy cao về cho VN. Nhưng với những gì đạt được, điền kinh VN đã chứng tỏ bước tiến vượt bậc của mình.
Người VN mình do cuồng nhiệt với bóng đá nên đã “đặt cược tình cảm” vào môn bóng đá nam U.23 quá nhiều, chứ thực ra ở đấu trường SEA Games - thi đấu theo hệ thống Olympic - thì môn thể thao được coi trọng nhất, là niềm tự hào lớn nhất cho những tấm huy chương vàng chính là môn điền kinh. Nếu nhà bình luận thể thao lừng danh Chánh Trinh còn sống, hẳn ông sẽ hết sức vui mừng với thành tích của điền kinh Việt Nam hôm nay. Để có được 1/10 thậm chí 1/100 giây bứt lên trong môn chạy tốc độ là vô cùng khó. Vậy mà Trương Thanh Hằng và Nguyễn Đình Cương đã phá tới 3 kỷ lục SEA Games. Những môn thể thao khác là thế mạnh của thể thao VN cũng đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
Nếu cách đây 10 năm mà nói thể thao VN sẽ đoạt hạng 3 ở một kỳ SEA Games được tổ chức bên ngoài quốc gia mình, hẳn ai cũng thấy như chuyện viễn tưởng. Những môn thể thao VN có bước tiến chắc chắn và đột phá qua mỗi kỳ SEA Games đều là kết quả của tầm nhìn chiến lược và cách tổ chức huấn luyện khoa học, dần bắt kịp với những phương pháp huấn luyện tiên tiến trên thế giới. Ngược lại, những môn thể thao đạt thành tích thấp ở kỳ SEA Games này, đặc biệt là bóng đá, là kết quả của tầm nhìn hạn hẹp, lối chạy kiếm thành tích kiểu “hớt ngọn” và sự hời hợt trong đào tạo, quan tâm đến con người vận động viên, huấn luyện viên. Nếu những môn thể thao khác của VN khiến chúng ta tự hào, thì ở SEA Games này, môn bóng đá nam U.23 đã làm người hâm mộ VN đi từ thất vọng tới thất vọng, và cuối cùng là cảm giác tủi hổ. Tôi không biết những quan chức LĐBĐVN có chia sẻ cảm giác đau đớn này với người hâm mộ VN không, và chia sẻ ở mức độ nào, nhưng rõ ràng, họ không thể thoái thác trách nhiệm khi để bóng đá VN rơi vào khủng hoảng như vậy. Cuộc chia tay với HLV Riedl dù chua chát nhưng cần thiết, song quá muộn! Cuộc khủng hoảng lần này của bóng đá Việt Nam kéo dài hay ngắn là hoàn toàn phụ thuộc vào LĐBĐVN. Không chỉ cần “thay máu” đội tuyển U.23 như HLV tạm quyền Mai Đức Chung tuyên bố, mà còn cần “thay máu” cả ban lãnh đạo LĐBĐVN, cái “đội tuyển” đông đảo quan chức LĐBĐVN tới SEA Games để “vui là chính” hơn là để làm việc.
Công cuộc cải tổ bóng đá VN phải bắt đầu từ cấp cao nhất, nếu chúng ta muốn có một tầm nhìn chiến lược và những biện pháp cụ thể để phát triển bóng đá VN trong tương lai. Khi những lời hứa viển vông, những mơ tưởng hão huyền đã bị vùi dập tơi tả ở trận tranh huy chương đồng với Singapore, thì sự làm lại đồng bộ bóng đá VN trở nên cấp thiết hơn bao giờ!
Ý kiến ()