Từ chuyện cái bóng đèn cháy
Cái bóng đèn ấy cháy, là cái máy chụp phải ngừng hoạt động. Muốn thay bóng đèn mới, bệnh viện phải làm các thủ tục trình xin tỉnh, qua nhiều "cắt lớp" xét duyệt, mới "chuẩn chi". Có tiền rồi, lại phải đặt mua bóng đèn tận nước ngoài. Toàn bộ thủ tục để có cái bóng đèn mới, nhanh nhất phải mất đứt 3 tháng. Trong 3 tháng máy chụp cắt lớp ngừng hoạt động, toàn bộ bệnh nhân cần chụp cắt lớp phải đưa ra Bệnh viện Quảng Nam hoặc Đà Nẵng chụp đỡ. Chưa nói tốn tiền di chuyển, mà trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần chụp scan ngay để xác định chấn thương thì Bệnh viện Quảng Ngãi cũng đành chịu!
Được biết, cái bóng đèn của máy chụp cắt lớp có thời hạn hoạt động rõ ràng được ghi: tối đa 7.000 giờ. Máy chụp cắt lớp của Bệnh viện Quảng Ngãi đã hoạt động hơn 6.000 giờ, nghĩa là đã kề sát "hạn" phải thay bóng đèn. Biết thủ tục xin bóng đèn mới không đơn giản như "thò tay vào túi lấy kẹo", bởi cái bóng đèn hạt đỗ ấy có giá... 600 triệu đồng, vậy mà bệnh viện vẫn bình tĩnh chờ... bóng đèn cháy mới la lên là... cháy, trong khi biết đằng nào nó cũng sắp cháy.
Thế đã là chuyện lạ. Trình báo xin tỉnh cấp tiền mua bóng mới, phải chờ thủ tục ngót 3 tháng, lại là chuyện lạ nữa! Vì rằng, đây là chuyện dính tới sinh mạng con người, cái bóng đèn hạt đỗ ấy đâu phải đèn thắp sáng mà lỡ có cháy thì thắp đỡ đèn dầu cho qua đêm. Bởi tắt cái đèn ấy là "tắt" luôn cái máy mấy tỉ đồng. Tiền chỉ là một chuyện, nhưng cả Bệnh viện Quảng Ngãi chỉ có mỗi cái máy duy nhất này dùng chụp cắt lớp, thế mới thành chuyện.
Khi tôi hỏi mấy bác sĩ mà nghề nghiệp gắn với cái máy này (như ở khoa Ngoại chấn thương), họ bảo, máy "nghỉ" thì mình cũng bị "nghỉ" như không. Trong khi đó, vẫn có cách để bệnh viện có thêm một máy chụp cắt lớp rất đắt tiền nữa, là "cổ phần hóa" - góp tiền mua máy mới. Chỉ cần góp 1,5 tỉ đồng, là công ty bán máy sẵn sàng "bán trả chậm" một máy chụp cắt lớp mới tinh. Họ chịu trách nhiệm lắp đặt, bảo hành. Thời gian hoàn tất lắp máy mới chỉ 10 ngày, nghĩa là bằng 1/10 thời gian mua cái bóng đèn mới cho máy cũ. Nếu có cái máy "cổ phần hóa" ấy, bệnh viện sẽ có 2 máy hoạt động, tăng cường suất phục vụ bệnh nhân, trong khi tiền công chụp mỗi "nhát" vẫn không thay đổi. Thế thì có lợi cho bệnh nhân chứ ạ!
Bây giờ, trong khi người ta đang mãi tranh luận về chuyện "cổ phần hóa bệnh viện", thì nên chăng, hãy cho phép cổ phần hóa một số máy móc đắt tiền mà bệnh viện đang rất cần, còn Nhà nước thì chưa có kinh phí cấp để mua như cái máy chụp cắt lớp ấy. Trong khi chưa thể cổ phần hóa "toàn thân" thì cho phép cổ phần "đầu cổ cánh" - một số thiết bị thiết yếu của bệnh viện - để có thể tăng thêm khả năng hoạt động của bệnh viện. Tất cả là vì bệnh nhân, vì tính mạng của con người, phải không ạ? Ghi chú: dĩ nhiên, khi có máy "cổ phần" bên cạnh máy "nhà nước" chẳng hạn, thì rất không nên "mời bác vào chụp máy nhà cháu" theo kiểu chèo kéo khách của mấy quán cơm dọc đường.
Ý kiến ()