Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng trước ban hành Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, trong đó quy định trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp (lớp 9, 12), tự nguyện. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ ngân sách.
Đại diện Bộ cho hay việc này nhằm hạn chế tình trạng học sinh dù không muốn vẫn phải học thêm, hướng tới "trường không có học thêm, dạy thêm".
Thực tế, các trường THCS và THPT dạy thêm từ lâu do học sinh chỉ học một buổi mỗi ngày. Ngoài ra, các nhà giáo, nhà quản lý nhận định đây là nhu cầu có thực. HĐND ở nhiều tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết về mức thu với hoạt động này, phổ biến khoảng 3.500-6.000 đồng một tiết.
Theo các nhà giáo, việc này mang lại một số lợi ích như: đáp ứng nhu cầu học thêm với chi phí rẻ, an toàn cho học sinh; nâng chất lượng giáo dục; tăng nguồn thu cho trường để trang trải chi phí cho nhiều hoạt động ngoài ngân sách; tăng thu nhập cho giáo viên.
Do đó, quy định không thu tiền dạy thêm khiến cả nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh gặp bất lợi, theo các hiệu trưởng.
Thầy Đăng, Phó hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, cho biết năm ngoái, trường có khoảng 900 trên 1.200 học sinh học thêm ở trường. Trừ đi nhóm gia đình chính sách, hộ nghèo, trường thu học phí của hơn 700 em. Học phí mỗi buổi ba tiết là 18.000 đồng, 70% được trả cho giáo viên.
Trong 30% còn lại, trường dùng một nửa để chi trả điện nước, hao mòn cơ sở vật chất, đưa vào quỹ khen thưởng, phúc lợi cho giáo viên, học sinh mỗi dịp lễ, Tết, thăm hỏi người ốm.
"Giờ không được thu tiền nữa, những hoạt động đó không có nguồn để chi trả", thầy Đăng nói.
Cùng ở Hà Nội, cô Thanh, Hiệu trưởng một trường THCS khác, cho biết gần như toàn bộ học sinh đăng ký học thêm buổi chiều tại trường. Học phí một buổi hơn 20.000 đồng, giáo viên nhận về khoảng 500.000-700.000 đồng.
"Đây là thu nhập chính đáng, hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên, đặc biệt với thầy cô mới ra trường, lương cơ bản còn thấp", cô Thanh cho hay. Nếu phải dạy không công hoặc thù lao thấp, giáo viên khó tập trung vào chuyên môn.
Trong khi đó, nhu cầu học thêm rất lớn. Khi trường bị hạn chế, học sinh chỉ còn cách ra trung tâm bên ngoài học, học phí cao hơn gấp 3-10 lần. Chưa kể, việc quản lý, cơ sở vật chất thì không nhiều trung tâm được như trường học.
Một hiệu trưởng THPT ở Bắc Ninh đồng tình. Ông cho hay nhiều gia đình yên tâm cho con học thêm ở trường vì giáo viên biết rõ điểm mạnh - yếu của từng em, có thể kèm cặp sát sao. Đặc biệt là với học sinh lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp và các kỳ thi riêng để vào đại học. Dạy thêm cũng là cách để trường nâng cao chất lượng.
"Ở quê thì làm gì có trung tâm dạy thêm bài bản, điều kiện phòng, ốc tốt như ở trường, chưa kể các em ra ngoài rất khó quản lý", ông nói.
Cô Nga, lãnh đạo một trường THPT ở Bình Dương, cũng chỉ ra thực trạng ở địa phương, phụ huynh làm việc trong các khu công nghiệp thường tăng ca đến 21-22h, có nhu cầu gửi gắm con học thêm tại trường.
"Nếu trường không dạy thêm do không có kinh phí, học sinh không ai quản lý, dễ xao nhãng việc học, có thể bị cái xấu lôi kéo", cô Nga nói.
Ý kiến ()