Trường chất lượng cao
Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4019/QĐ-UBND, ngày 15-12-2006. Theo đó, nhà trường sẽ thí điểm mô hình này ở một số lớp học trong thời gian 6 năm (từ năm học 2007-2008 đến năm học 2012-2013) với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Đề án cũng nhằm huy động trí tuệ, nguồn lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường và của xã hội. Và ngày 28-1, nhà trường đã huy động được trên 300 triệu đồng cho việc xây dựng trường từ sự đóng góp, hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cùng các bậc phụ huynh, học sinh, giáo viên của nhà trường.
Có thể nói cách làm của Trường THPT Hòn Gai là một ý tưởng sáng tạo, năng động, lần đầu tiên được triển khai ở một trường công lập trên địa bàn tỉnh. Nó phù hợp với xu thế xã hội hoá giáo dục mạnh hiện nay, đặc biệt phù hợp với chủ trương chuyển dần một số hoạt động, lĩnh vực xã hội sang mô hình cung ứng dịch vụ của tỉnh. Điều này chắc chắn sẽ được dự luận ủng hộ, hoan nghênh, đặc biệt là với các bậc phụ huynh và học sinh, nhất là trong bối cảnh ngành Giáo dục đang có nhiều bất cập, yếu kém như hiện nay.
Tuy nhiên, để có được một môi trường giáo dục chất lượng cao thực sự cũng không phải là điều dễ. Nó không chỉ đòi hỏi có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, khang trang mà còn cần có nhiều yếu tố khác như đội ngũ giáo viên đứng lớp, cán bộ quản lý, phương pháp giảng dạy... Tất nhiên với cơ chế tự chủ về bộ máy, tài chính, con người nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc thực hiện đề án. Và một điều không kém phần quan trọng là trong công tác quản lý phải đảm bảo có sự hài hoà giữa các khối lớp, đối tượng; tránh tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” phân biệt đối xử giữa học sinh có điều kiện và học sinh không có điều kiện trong cùng một mái trường, cùng một môi trường giáo dục...
Ý kiến ()