Ba Chẽ: Tiếp tục phủ xanh những cánh rừng
Mục tiêu lớn nhất đặt ra trong kế hoạch trồng rừng tập trung năm 2025 của huyện Ba Chẽ là khắc phục nhanh và tái thiết diện tích rừng bị thiệt hại do bão Yagi gây ra. Trong tương lai không xa, những cánh rừng xơ xác sẽ được phủ xanh trở lại bằng những lứa cây mới, giàu sức sống hơn.
Ngay từ đầu năm, UBND huyện Ba Chẽ đã giao chỉ tiêu trồng rừng tập trung, trồng cây dược liệu năm 2025. Theo đó, huyện Ba Chẽ hướng tới mục tiêu tập trung khắc phục nhanh và tái thiết ngành kinh tế lâm nghiệp sau bão gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tổng diện tích trồng rừng tập trung năm 2025 được giao là 5.000ha, trong đó rừng gỗ lớn là 100ha, cây bản địa (quế, sa mộc) 300ha, trồng rừng lấy gỗ nguyên liệu (keo, bạch đàn) là 4.600ha. Tổng diện tích cây dược liệu được giao là 50ha trong đó có các loài cây như: Trà hoa vàng, ba kích tím, cát sâm, sâm cau đỏ...
Năm 2025, Ba Chẽ tiếp tục duy trì vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện, phát huy tối đa quỹ đất rừng hiện có để trồng các loài cây bản địa phù hợp với sinh thái, thổ nhưỡng như: Lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sồi phảng… Sớm chuyển việc trồng rừng thành ngành kinh tế sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững, góp phần đa dạng hoá kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng.
Huyện Ba Chẽ cũng định hướng, vận động người dân từng bước chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 là “Quyết tâm đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh” và Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 1/9/2020 của Huyện ủy Ba Chẽ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn và Đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện.
Để có thể lấy ngắn nuôi dài, huyện khuyến khích các chủ rừng tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện về phát triển dược liệu; khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên có hiệu quả, mở rộng vùng trồng dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh, phát huy hiệu quả mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Từ đó có thể từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Một số loại cây dược liệu trong định hướng phát triển của huyện gồm: Ba kích tím, trà hoa vàng, cát sâm, sâm cau đỏ và một số loài cây dược liệu khác phù hợp với định hướng phát triển dược liệu của tỉnh, huyện. Việc hình thành các vùng trồng cây dược liệu tập trung để phát triển ổn định, lâu dài cũng sẽ tạo được sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững, hiệu quả.
Song song với trồng mới, huyện Ba Chẽ sẽ trồng thử nghiệm, cần tiếp tục trồng bổ sung, cải tạo, trồng thay thế diện tích hiện có (diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch) để duy trì ổn định diện tích, sản lượng. Đồng thời, từ đó tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Huyện cũng sẽ thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn như: Vốn ngân sách tỉnh, vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp nông lâm nghiệp, vốn trồng rừng thay thế, vốn tự có của chủ rừng, nguồn vốn vay tín dụng, vốn liên doanh liên kết và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai kế hoạch trồng rừng tập trung. Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản xuất tinh dầu quế, dược liệu... thực hiện liên doanh, liên kết với người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác để trồng, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện trong tháng 1 đã đạt 126ha, đạt 2,5% kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm 2024, chuẩn bị tốt hiện trường, cây giống phục vụ Lễ phát động Tết trồng cây đầu năm với diện tích gần 20ha. Tại phiên họp thường kỳ tháng 1 của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hùng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trong huyện thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, cây dược liệu; đặc biệt, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Khiếu Anh Tú: “Ưu tiên các nguồn lực, thu hút vốn vào lĩnh vực trồng và quản lý bảo vệ rừng” Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh; huyện ưu tiên các nguồn lực, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn vào lĩnh vực trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Huyện cũng hướng đến việc xã hội hóa nghề rừng, hình thành vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến gỗ, tạo ra chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm rừng. Những nỗ lực này không chỉ giúp Ba Chẽ phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững. |
Phó trưởng Phòng NN&PTNT Thân Thị Thúy Hảo: "Huyện đã chỉ đạo, đôn đốc chuẩn bị 15 triệu cây giống để chuẩn bị trồng rừng" Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại cho hơn 3.000ha rừng của 484 hộ. Ngay sau bão, nhiều hộ dân đã chủ động chuẩn bị nguồn giống, tự ươm giống. Ngay từ đầu vụ mới, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc 32 cơ sở sản xuất giống chuẩn bị 15 triệu cây giống để chuẩn bị trồng rừng. Chúng tôi tập trung rà soát toàn bộ diện tích rừng đủ điều kiện cũng như hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lập hồ sơ thiết kế khai thác, đăng ký khai thác và vận chuyển, tiêu thụ gỗ rừng trồng theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra cây giống tại các vườn ươm trên địa bàn để đảm bảo số lượng và chất lượng cây giống; đặc biệt khuyến khích bà con nhân dân chủ động tìm nguồn giống có chất lượng tốt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vụ trồng rừng trong năm tới. |
Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Ba Chẽ Đặng Văn Đạt: "Đảm bảo nguồn giống chất lượng, giảm tối đa chi phí đầu tư trồng rừng" Thời điểm thành lập HTX, tôi chọn tên Lâm nghiệp Bền vững vì mong muốn có thể cung cấp cây giống cho bà con lâu dài. Ngoài ra, cái tên “Bền vững” cũng thể hiện chất lượng cây giống luôn mạnh khỏe, chất lượng khi đến tay bà con. Nhiều năm qua HTX đã cơ bản cung cấp đủ nguồn cây giống lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng của huyện với các loại cây bản địa như giổi, lát, keo, quế, sưa… Vụ năm nay chúng tôi ươm khoảng 4 triệu cây giống, trong đó có 130.000 cây gỗ lớn; có khả năng cung ứng giống cho khoảng 120ha rừng. Thời điểm này, đội công nhân của HTX đang tập trung chăm sóc, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây giống, chuẩn bị các điều kiện để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết đặc biệt là ảnh hưởng của các đợt rét đậm, sương muối. Qua đó, đảm bảo nguồn giống chất lượng, sạch bệnh, giảm tối đa chi phí đầu tư cây giống khi đưa vào trồng. |
Ông Nguyễn Văn Hà, Công ty CP Phát triển rừng bền vững: "Quản lý, bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên, cốt lõi" Do đó, tất cả nguồn lực của Công ty sẽ được ưu tiên tập trung cho công tác này. Đồng thời, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, kêu gọi người dân tham gia liên kết, giao khoán cùng phát triển; phát huy tổng thể khả năng để cùng các nhà đầu tư phát triển hiệu quả lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng. Với quyết tâm chính trị, ban lãnh đạo Công ty xác định tiếp tục bám sát 3 trụ cột là: Bảo vệ rừng, phát triển rừng, khai thác dược liệu. Quyết tâm phát huy hết tiềm năng, giá trị của rừng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, cho đồng bào và phát triển kinh tế địa phương. |
Ý kiến ()