Nâng cao năng lực cấp cứu mỏ
Trung tâm Cấp cứu mỏ là một đơn vị đặc biệt của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), làm nhiệm vụ chính là cứu hộ mỏ, xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra trong quá trình sản xuất của các đơn vị thuộc TKV. Những năm qua, để năng lực hoạt động của Trung tâm đảm bảo ngang tầm nhiệm vụ, TKV đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ chuyên nghiệp; đồng thời thường xuyên huấn luyện thể lực, kỹ - chiến thuật và sát hạch định kỳ cho lực lượng này.
Đảm bảo thể lực là điều kiện bắt buộc của một người lính cấp cứu mỏ TKV. Bài tập rèn thể lực đầu tiên là chống đẩy - bật nhảy 100 lần với yêu cầu là độ cao bật nhảy phải cách mặt đất 20cm. Với một người mới vào nghề, đây thật sự là một thử thách. Bài tập tiếp theo là 200 lần lật lốp ô tô với trọng lượng 75kg. Kéo tạ 100 lần với trọng lượng 25kg là bài tập thứ ba và cuối cùng là chạy bền 3.000m. Tổng thời gian tập luyện các bài thể lực là 57 phút.
Theo ông Phạm Văn Hiệu, Trạm trưởng Trạm cấp cứu mỏ Uông Bí, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ TKV, Trạm duy trì việc tập luyện thể lực vào các buổi sáng từ 8-11 giờ 30 phút ngày thứ 3, 4, 5 và các buổi sáng ca 2 từ 5h30-6h30 hằng ngày. Thứ 6 hằng tuần, Trạm kiểm tra thành tích rèn luyện thể lực của toàn thể cán bộ, đội viên, lái xe, y tế để đánh giá kết quả rèn luyện theo đúng Quy định số 504/QĐ-TTCCM ngày 21/8/2023 của Trung tâm và các chỉ tiêu cho từng lứa tuổi, đối tượng đi kèm. Để thực hiện tốt quy định rèn luyện kiểm tra thể lực của Trung tâm nâng cao được sức chịu đựng dẻo dai phục vụ tập luyện và giải quyết sự cố, trạm đã chú trọng các nội dung khởi động đủ bài, tập đúng động tác, theo dõi kết quả của từng lần tập của mỗi người để có các giải pháp nâng cao thành tích tập luyện.
Với mỗi người lính cấp cứu mỏ, chỉ rèn thể lực là chưa đủ, họ còn phải thường xuyên luyện tập phương án xử lý sự cố nghiêm trọng trong điều kiện giả định khắc nghiệt ở khu thực nghiệm chuyên dụng của Trung tâm Cấp cứu mỏ.
Dưới nắng nóng, mỗi người chiến sĩ phải mặc bảo hộ theo quy định, mang vác gần 20 loại dụng cụ, thiết bị và thực tập phương án xử lý sự cố hầm lò, trong tình huống giả định đầy khó khăn, phức tạp, có khí độc.
Trong vùng khí độc, việc sử dụng máy cứu sinh để cứu nạn nhân đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ cấp cứu mỏ phải thật sự thuần thục và nỗ lực cao mới tránh khỏi các sai sót để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các tiểu đội tham gia luyện tập cũng phải am hiểu và sử dụng thành thạo các thiết bị đo khí, đo gió mỏ để kiểm tra hàm lượng các loại khí độc, khí cháy nổ, tránh đưa lực lượng cứu nạn vào vùng nguy hiểm.
Anh Trần Như Thắng, Trạm phó Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí cho biết: Khi gặp các nạn nhân trong vùng sự cố, người đội trưởng sẽ phải phán đoán nhanh tình huống nạn nhân gặp phải, phối hợp tốt với chỉ huy trên mặt bằng thông qua bộ đàm và trực tiếp tổ chức cứu nạn, đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.
Ngoài chế độ huấn luyện thường xuyên, định kỳ 2 năm 1 lần, TKV tổ chức Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp nhằm kiểm tra toàn diện về thể lực, kỹ thuật cá nhân, tính phối hợp và bản lĩnh của cán bộ, đội viên làm công tác cứu hộ mỏ.
Vì vậy, mỗi kỳ Hội thao là một lần sát hạch nghiêm túc, khắt khe của TKV đối với lực lượng này. Năm nay, Hội thao diễn ra từ ngày 28-29/10, với sự tham gia của toàn lực lượng cấp cứu mỏ ở cả 3 vùng Hòn Gai, Cẩm Phả và Uông Bí. Trước yêu cầu của Hội thao năm nay, cán bộ chiến sĩ cả 3 vùng đã luyện tập khẩn trương và nhuần nhuyễn ở chế độ cao trong khoảng 2 tháng liên tục.
Sau 2 ngày hội thao khẩn trương và chuyên nghiệp, 12 tiểu đội với 81 cán bộ chiến sĩ cấp cứu mỏ của TKV đã hoàn thành tốt cả 4 khoa mục gồm: Đội hình đội ngũ, tìm kiếm cứu nạn - thủ tiêu sự cố trong hầm lò, sơ cứu ban đầu - hồi sinh người bị ngừng tim, ngừng thở; chỉ huy giải quyết sự cố.
Để đảm bảo năng lực hoạt động cho Trung tâm ngang tầm nhiệm vụ, những năm qua, TKV đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ chuyên nghiệp cho lực lượng này. Một khu thực nghiệm rộng 1,2ha là nơi luyện tập chính của Trung tâm, gồm các hạng mục như đường lò, khu vực đốt tạo ra sự cố cháy mỏ, khu vực tạo ra sự cố sập đổ, khu vực lò chợ... và các công trình phụ trợ, các thiết bị tương tự như một công trường khai thác than.
Ông Hoàng Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Hệ thống phương tiện, thiết bị hiện đại nhất trong ngành cứu hộ mỏ của thế giới cũng đã được TKV đầu tư đồng bộ, như: Bộ cứu hộ, máy cứu sinh, xe ô tô chuyên dùng, xe cứu hoả, xe cứu hộ đa năng, xe công trình xa, tổ hợp sinh khí trơ NITROGEN, hệ thống bơm nước - bùn, quần áo chống cháy... Đây là những điều kiện cần và đủ để TKV nâng cao năng lực cho đội cứu hộ mỏ chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động sản xuất của Tập đoàn, đồng thời đáp ứng vai trò của đơn vị thường trực chuyên ngành của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Ý kiến ()