Thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Sáng nay, ngày 5/11, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề để thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền về các cơ chế, biện pháp, giải pháp điều hành ngân sách, đầu tư công nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024.
Đây là một nghị quyết được đông đảo cử tri quan tâm bởi các nội dung điều chỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh. Đặc biệt, tại dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh đã đề nghị phân bổ 157.800 triệu đồng nguồn tăng thu năm 2023, thưởng vượt thu năm 2022 hỗ trợ các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trong đó, ưu tiên các khu vực miền núi, vùng cao, hải đảo, biên giới của tỉnh; các địa phương khó khăn, cân đối yếu và đang có dự án đủ điều kiện sử dụng, giải ngân hiệu quả nguồn vốn trong năm 2024. Việc hỗ trợ được thực hiện trên nguyên tắc: ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chi phí xây lắp, thiết bị hạng mục chính, có khả năng giải ngân hiệu quả theo đúng mục tiêu nguồn vốn trong năm 2024. Theo đó, phân bổ nguồn tăng thu năm 2023 (29.700 triệu đồng) cho dự án Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Tiên Yên; phân bổ 128.100 triệu đồng nguồn trung ương thưởng vượt thu năm 2022 cho các dự án giáo dục trên địa bàn tỉnh, gồm: Trường THCS thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà; Trường THCS Quảng Minh, huyện Đầm Hà; Trường mầm non Quan Lạn, huyện Vân Đồn; Trường THCS Hạ Long, huyện Vân Đồn; Trường tiểu học Đào Phúc Lộc, TP Móng Cái; Trường THCS Ninh Dương, TP Móng Cái; Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, TP Uông Bí; Trường Mầm non Phương Nam, TP Uông Bí. Nghị quyết được thông qua sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nhất là bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình trường học.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, đặc biệt là ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, luôn được Quảng Ninh xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với quan điểm “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, trong những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục của tỉnh luôn đạt trên 20% tổng chi ngân sách hằng năm. Giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã đầu tư cho giáo dục với tổng kinh phí 1.433.395 triệu đồng.
Nhờ đó, toàn tỉnh đã xây dựng được một hệ thống trường lớp từ các vùng đô thị đến tận các khe bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Hầu hết các trường đều được quan tâm bố trí quỹ đất ở những vị trí khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đến trường.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 637 cơ sở giáo dục, bao gồm: 222 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 187 trường trung học cơ sở, 58 trường trung học phổ thông, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt cao với 560/617 trường, chiếm 90,8%; dự kiến đến hết năm nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh sẽ đạt trên 91%. Những con số này là minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh tới giáo dục. Cơ sở vật chất trường học đảm bảo đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, dành nguồn lực, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện để mọi học sinh, sinh viên, trẻ mầm non ở mọi vùng miền trong tỉnh, nhất là những khu vực miền núi, hải đảo được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, được học tập trong môi trường tốt nhất.
Ý kiến ()