Cơ khí TKV tăng trưởng ấn tượng
Trong suốt quá trình phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), ngành cơ khí giữ khâu sản xuất quan trọng chuyên chế tạo, cung cấp, sửa chữa thiết bị, vật dụng phục vụ công tác đào lò, khai thác, vận tải khoáng sản. Những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, cơ khí TKV đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng.
TKV hiện có 11 đơn vị cơ khí, trong đó có 6 đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 trong bối cảnh nhiều khó khăn, tuy nhiên 9 tháng qua, kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ khí vẫn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều đơn vị hoàn thành vượt kế hoạch. Đặc biệt, các đơn vị cơ khí TKV ưu tiên phát triển những sản phẩm cốt lõi dựa trên định hướng mỗi doanh nghiệp sẽ căn cứ vào năng lực thiết bị, khả năng công nghệ, lợi thế trong sản xuất để phát triển nhóm sản phẩm chủ lực.
Công ty CP Chế tạo máy là đơn vị cơ khí chủ lực của TKV, được giao nhiệm vụ chính là chế tạo, sửa chữa thiết bị, phụ tùng, sản phẩm cơ khí cho ngành Than và các ngành kinh tế khác. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị TKV điều hành sản xuất kinh doanh hiệu quả. 9 tháng năm 2024 tổng doanh thu của Công ty CP Chế tạo máy đạt hơn 1.735 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch năm và tăng 4,3% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận đạt hơn 13,4 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ 2023. Thu nhập bình quân của người lao động trong 9 tháng đạt 11,67 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty CP Chế tạo máy, cho biết: Để ổn định sản xuất, ngay từ đầu năm nay Công ty đã nhận định tình hình thị trường, bám sát chỉ đạo của Tập đoàn, đơn vị đã tập trung điều hành linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế. Đơn vị đẩy mạnh áp dụng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa đồng bộ các dây chuyền sản xuất.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty có 44 sáng kiến được áp dụng; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học hiện đang chờ nghiệm thu cấp TKV gồm “Nghiên cứu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo máy dập búa công suất 100-150 tấn/giờ” và “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giám sát và bảo vệ động cơ 1 chiều công suất đến 2.500kW”.
Bên cạnh đó, Công ty còn phát huy các dây chuyền sản xuất hiện có như dây chuyền cán thép công suất 80.000 tấn/năm, dây chuyền chế tạo cột chống thủy lực, dây chuyền sửa chữa thiết bị máy mỏ… cũng như cải tạo, nâng cao độ chính xác của các thiết bị có sẵn, đảm bảo hệ thống thiết bị đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo được nhiều loại sản phẩm cơ khí với độ chính xác cao, đáp ứng nhu cầu trong TKV và phát triển chế tạo nhiều sản phẩm cho các ngành kinh tế khác. Đơn vị đang phát động thi đua lao động sản xuất, phấn đấu đến giữa tháng 11/2024 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 2020-2025, khối sản xuất cơ khí của TKV đặt mục tiêu phát triển “An toàn - Bền vững - Hiệu quả”, đảm bảo năng lực sản xuất đáp ứng các yêu cầu trong TKV và dần vươn ra thị trường bên ngoài. Năm 2024 được xem là năm bản lề để khối cơ khí TKV bứt phá hiện thực hóa mục tiêu này. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị cơ khí của TKV đã nỗ lực nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dần khẳng định ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng của TKV.
Theo báo cáo của TKV, 9 tháng năm 2024, các đơn vị cơ khí của TKV đã chế tạo trên 17.000 tấn thiết bị, phụ tùng các loại; gia công trên 81.500 tấn vì chống lò… Các sản phẩm cơ khí của TKV ngày càng khẳng định chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của các đơn vị trong và ngoài ngành. Doanh thu toàn khối cơ khí TKV ước đạt trên 3.900 tỷ đồng, bằng 79,8% kế hoạch năm; lợi nhuận toàn khối ước đạt trên 30,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: Thời gian tới, các ban chuyên môn Tập đoàn tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị; chỉ đạo các đơn vị cơ khí bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh quý IV và cả năm 2024.
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại để tăng năng suất, năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng cho sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn. Đồng thời, tăng cường hợp tác chiều sâu để phát huy các lợi thế về công nghệ, thiết bị; phối hợp, hợp tác giữa đơn vị tư vấn, viện nghiên cứu với các đơn vị sản xuất chế tạo và đơn vị sử dụng sản phẩm, dịch vụ cơ khí để tạo ra sự liên kết chặt chẽ nhằm phát huy được những lợi thế của từng đơn vị để tạo ra các sản phẩm mới thay thế nhập khẩu.
Ý kiến ()