Tín hiệu lạc quan từ du lịch
Suốt hai năm qua, ngành Du lịch cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, luôn trong tình trạng hoạt động cầm chừng, thậm chí có thời điểm phải dừng hoạt động. Hàng ngàn công ty lữ hành, du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… điêu đứng, hàng triệu lao động ngành du lịch không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sống chung an toàn với Covid-19, cùng với các địa phương trong nước, Quảng Ninh đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển, đặc biệt là phục hồi du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 của tỉnh cao nhất và sớm nhất cả nước, cùng sự thích ứng an toàn, linh hoạt, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng chiến lược, chương trình mở cửa phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Quảng Ninh với người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi đạt 99,57%, tiêm 2 mũi đạt 96,09%, 3 mũi đạt 85%. Với trẻ em từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 99,65%, mũi 2 đạt 96,91%.
Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vắc-xin, tạo địa bàn an toàn để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục hồi du lịch nói riêng, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai dán nhãn đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.467 lượt cơ sở lưu trú du lịch thực hiện đăng ký đánh giá an toàn Covid-19 tại địa chỉ website safe.tourism.com.vn do Bộ VH-TT&DL quản lý; 652 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện dán nhãn đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19; 652 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã được phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch và phương án xử lý khi có ca Covid-19 tại cơ sở theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Với các biện pháp thích ứng an toàn, từ ngày 1-15/2, Quảng Ninh đã đón trên 837.000 lượt khách. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (180.000 lượt), đền Cửa Ông (90.000 lượt), chùa Cái Bầu (55.000 lượt), Vịnh Hạ Long (9.100 lượt)… Lượng khách lưu trú đạt khoảng 40.000 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Những con số trên là tín hiệu hết sức tích cực để ngành Du lịch Quảng Ninh phục hồi, phát triển trong thời gian tới.
Hiện Quảng Ninh đang xây dựng chương trình mở cửa, phục hồi du lịch, khôi phục tất cả các hoạt động, sản phẩm du lịch trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho điểm đến và du khách. Trong đó, thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các chiến dịch truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch trong, ngoài nước. Đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch mới, loại hình, hoạt động kinh tế đêm... Dự kiến Quảng Ninh sẽ có trên 240 sự kiện kích cầu du lịch được tổ chức rộng khắp, gắn với các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn như Carnaval Hạ Long, đăng cai tổ chức các môn SEA Games. Chú trọng vào các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, tạo thương hiệu riêng như Carnaval, Festival áo dài, ẩm thực, phố đêm du thuyền… Các biện pháp phòng dịch tiếp tục phải được ưu tiên trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Quảng Ninh từng bước phục hồi ngành công nghiệp không khói trước biến cố của đại dịch. Trong đó xây dựng kế hoạch đi trước, đón đầu để có thể mở cửa hoàn toàn du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL.
Năm 2022, ngành Du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón trên 9,5 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 19.000 tỷ đồng. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng. Với những tín hiệu tích cực từ du lịch đầu xuân Nhâm Dần là cơ sở để ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và những năm tiếp theo.
Ý kiến ()