Tiêu tiền ''chùa''?
Theo số liệu của Sở Tài chính, từ khi bắt đầu triển khai chương trình đến năm học 2005-2006 ngân sách nhà nước đã cấp cho 19 đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trên 100 tỷ đồng để mua sách giáo khoa và thiết bị dạy học, trong đó năm học 2002-2003 được cấp nhiều nhất là 50 tỷ đồng. Với số kinh phí này thày, trò các trường rất phấn khởi và hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng thày dạy chay, trò học chay. Thế nhưng qua kiểm tra thực tế của ngành Tài chính ở nhiều cơ sở, đơn vị giáo dục cho thấy việc sử dụng nguồn kinh phí này có nhiều bất cập, thậm chí lãng phí, không hiệu quả. Cụ thể giữa Phòng Giáo dục địa phương và các trường không có sự thống nhất trong việc lên kế hoạch mua sắm sách giáo khoa và thiết bị dạy học. Vì vậy mới xảy ra tình trạng nơi cần ít thì được nhiều, nơi cần nhiều thì được ít; cái cần thì chẳng có, cái có thì chẳng cần. Không ít trường nhận thiết bị về để... đút kho vì không có phòng thực hành, thí nghiệm; thậm chí nhiều trường còn không có nhà kho nên phải để vạ vật ở nơi này, nơi khác như gầm cầu thang, nhà bảo vệ, phòng học, phòng ở của giáo viên... Đó là chưa kể nhiều thiết bị chất lượng kém, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết không sử dụng được, hoặc không phù hợp với bài giảng nên chỉ để... ngắm. Vậy là tuy có thiết bị trong tay nhưng thày, trò vẫn phải dạy chay, học chay. Nực cười hơn nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa không có điện, không có đầu máy nhưng vẫn được cấp băng ghi hình, dụng cụ thí nghiệm điện để cho... nhện chăng, mốc bám v.v. Một cán bộ của một trường ở huyện Đầm Hà cho biết, hàng trăm trường đều được tiếp nhận sách, thiết bị mới và bổ sung, trong đó có những loại không dùng đến hoặc còn tốt nhưng năm sau vẫn được cấp tiếp; không thể trả lại được nên đành... cho vào kho...
Phải chăng nguyên nhân của thực trạng trên là do đồng tiền bỏ ra đầu tư là tiền từ ngân sách (nhiều người gọi là tiền chùa) nên cứ mua sắm ào ào, chẳng ai xót xa, chẳng cần nghĩ đến tiết kiệm, hiệu quả ra sao? Sự lãng phí này nếu tính trên phạm vi cả nước sẽ là con số khổng lồ. Các trường đều biết và ngành Giáo dục càng rõ hơn sự lãng phí này nhưng sao vẫn im lặng, không lên tiếng để rồi những đồng tiền do người dân một nắng hai sương chắt chiu đóng góp tiếp tục bị sử dụng không hiệu quả. Đã đến lúc ngành Giáo dục phải tiến hành tổng kết đánh giá hiệu quả thực sự của chương trình, nhất là trong việc đầu tư mua sắm trang, thiết bị dạy học. Qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất hợp lý, lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng để đồng tiền của nhà nước bỏ ra mạng lại tác dụng, hiệu quả cao, phục vụ tốt cho sự nghiệp giáo dục.
Ý kiến ()