Tiêu chuẩn của nhân dân
UBND TP Hạ Long cũng yêu cầu chính quyền 2 địa phương phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và báo cáo thành phố trước ngày 30-8-2007.
Chuyện ở TP Hạ Long lại một lần nữa cho thấy những “lình sình” trong thủ tục hành chính đã và đang là những trở ngại cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.
Chúng ta còn nhớ, những bất cập và bất minh trong thủ tục hành chính đã là một trong những nguyên nhân khiến Quảng Ninh tụt hạng thê thảm trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như năng lực thu hút đầu tư. Bởi vậy, đối với lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên thông một cửa do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách. Kết quả, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có những lời khen, những tán thưởng đối với sự đổi mới hiệu quả này của tỉnh. Ngược lại, ở lĩnh vực hành chính công, dù tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu rất nhiều, thì sự chuyển biến dường như chưa được là bao, nhất là ở cấp phường, xã (mà hai chuyện ở TP Hạ Long được bạn đọc nêu chỉ là ví dụ trong vô vàn chuyện đã xảy ra trong thực tế ở các địa phương trong tỉnh, trong nước).
Chúng ta đều thấy, những năm qua, để tự nâng cao mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập kinh tế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ tiêu chuẩn ISO) trong các mặt công tác quản lý, công nghệ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm... Đó là những cố gắng rất đáng hoan nghênh.
Từ việc trên, thiết nghĩ trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, trong đó có thủ tục hành chính, những cơ quan và cá nhân liên quan cũng nên xác định cho mình một tiêu chuẩn - Tiêu chuẩn của nhân dân!
Nghĩa là những cơ quan, cá nhân nào được người dân ghi nhận, khen ngợi qua những cách làm, việc làm tiện ích, có lợi chính đáng cho dân, thì đó chính là những cơ quan công quyền và cá nhân đã triển khai cải cách hành chính và thủ tục hành chính một cách thực sự.
Ý kiến ()