
Tiết chế, thay thế và ngưng sử dụng túi nilon
Còn nhớ khoảng 25 năm trở về trước thói quen đi chợ của người dân là xách theo túi cói, làn nhựa để đựng thực phẩm mua về, rau, thịt có thể gói bằng lá chuối, bó bằng lạt tre.
Ngày nay với sự phát triển của các ngành sản xuất đồ tiêu dùng, sản phẩm nhựa với rất nhiều tiện ích đã được ưa chuộng sử dụng và dần trở thành thói quen của người tiêu dùng và toàn xã hội. Cùng với những tiện ích mà đồ nhựa đem lại thì những hiểm họa do rác thải nhựa gây ra đối với môi trường sinh thái, sự phát triển bền vững đang ở mức cảnh báo vô cùng nguy hiểm. Không phải người dân không biết rõ tác hại của túi nilon đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng nhưng đại đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng túi nilon như một thói quen khó bỏ. Đến nay, con số đó là hơn 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng khoảng 10 túi nilon các loại.
Chính từ thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần dẫn đến lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng gia tăng, hệ lụy tới môi trường sống ngày càng lớn. Một trong những cụm từ về một loại ô nhiễm cực nguy hại được các nhà khoa học gọi tên đó là "Ô nhiễm trắng". Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước, nguồn đất, ánh sáng hay không khí, thì những chiếc túi nilon khó phân huỷ cũng sẵn sàng để lại những hệ lụy khôn lường. Đây chính là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Thay đổi thói quen đó là việc khó nhưng không có nghĩa không làm được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi hiểm họa rác thải nhựa không chỉ tác động đến môi trường một quốc gia, dân tộc mà đó là nguy cơ, hiểm họa chung của cả thế giới, của toàn cầu. Chính vì vậy chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2019 là "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon". Ngày 9/6/2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada, Thủ tướng Chính phủ đã có sáng kiến các nước G7 cùng thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa. Tiếp đó, ngày 4/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa.
Theo đề án Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do dử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phấn đấu đến năm 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt...
Chống rác thải nhựa, không chỉ là khẩu hiệu thực hiện một thời điểm mà cần bằng hành động, việc làm cụ thể, hàng ngày từ ý thức của mỗi người. Đó là, với mỗi người tiêu dùng hãy cố gắng thay đổi hành vi, thói quen, tiết chế, thay thế và ngưng sử dụng túi nilon, thực hiện phân loại rác thải từ gia đình để thuận tiện cho việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Với mỗi cơ quan, đơn vị thay đổi việc sử dụng nhựa khó phân hủy, chai nhựa sử dụng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Ngọc Lan
Ý kiến ()