Tiếp tục tăng cường các giải pháp xử lý nợ đọng thuế
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, ngành thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 21.408 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2023 là 65.000 tỷ đồng. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 18.380 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.028 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, công tác xử lý nợ đọng thuế cũng được cơ quan Thuế tích cực thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã ban hành 159.784 thông báo tiền thuế nợ theo quy định; ban hành 2.265 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Đồng thời, công khai thông tin người nợ thuế trên phương tiện thông tin báo điện tử, trang web, truyền hình đối với 3.144 lượt người nộp thuế (trong đó công khai Quyết định cưỡng chế tài khoản đối với 2.114 lượt người nộp thuế, công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế là 1.030 lượt).
Các cơ quan thuế cũng mời đại diện 90 doanh nghiệp có số nợ lớn đến làm để đôn đốc thu hồi nợ thuế; thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với 54 người đại diện theo pháp luật của 54 doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế...
Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến thời điểm chốt nợ 30/4/2023, tổng tiền thuế nợ tăng 2.617 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, bằng 13,64% dự toán giao thu năm 2023. Trong đó nợ thuế phí tăng 1.370 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng 973 tỷ đồng, tiền phạt, chậm nộp và các khoản thu khác tăng 277 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/6 là 151.976 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thời điểm cuối tháng trước (ngày 31/5) và tăng 2,8% so với thời điểm cuối năm 2022 (ngày 31/12/2022).
Không chỉ riêng Quảng Ninh, mà nhiều cục thuế trong cả nước đã để nợ tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo Tổng cục Thuế, có 18/63 cục thuế tăng trên 50% có thể kể đến như: Ninh Thuận tăng 444%, Phú Thọ tăng 187%, Lào Cai tăng 183%, Lai Châu tăng 165%, Lạng Sơn tăng 133%, Hải Dương tăng 117%, Thái Nguyên tăng 115%, Tây Ninh tăng 110%, Quảng Ngãi tăng 108%, Quảng Ninh tăng 106%, Cà Mau tăng 103%, Bắc Ninh tăng 101%...
Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư. Ngoài ra, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP nên ngành thuế vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên…
Để giảm tình trạng nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế địa phương khẩn trương tập trung áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Ý kiến ()