
Chủ động gia cố đê điều, ứng phó với bão Wipha
Theo dự báo, bão số 3 (Wipha) sẽ gây mưa lớn, gió giật và sóng biển mạnh, gia tăng nguy cơ tràn đê, ngập khu vực trũng thấp từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ninh đã kích hoạt chế độ trực cao điểm phòng chống thiên tai, đồng loạt kiểm tra, gia cố các tuyến đê biển, đê sông và công trình phòng hộ xung yếu; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời mọi tình huống, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đê Hà Nam (thuộc phường Liên Hoà và Phong Cốc) là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh, tổng chiều dài toàn tuyến gần 34km. Sau mùa mưa bão năm 2024, chính quyền các xã, phường có tuyến đê đi qua đã phối hợp với đơn vị quản lý đê kiểm tra kỹ hiện trạng nhằm phát hiện hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình. Đồng thời, xác định những tuyến, khu vực trọng điểm xung yếu để có phương án bảo vệ. Tới nay, toàn tuyến đã được tu bổ nâng cấp với quy mô đảm bảo chống được bão cấp 10, triều cường tần suất 5%.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng đô thị, phường Liên Hoà - đơn vị quản lý 20,4/34km chiều dài tuyến đê Hà Nam, tuyến đê được thiết kế chắn sóng từ 5,1-5,5m, có 38 cửa qua các khu dân cư, bãi vật liệu và cửa mở kết nối với khu công nghiệp và các công ty; phía ngoài đê (phía biển) có rừng chắn sóng với các loại cây lậu, sú, mắn, đước…; có 6 cống tiêu qua đê. Đến thời điểm hiện tại, để ứng phó với bão số 3 Wipha, đơn vị đã tổ chức rà soát toàn bộ hiện trạng tuyến đê; chỉ đạo, phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình kịp thời xử lý phát sinh sự cố và tiêu thoát nước trong đồng, tránh xảy ra nguy cơ ngập úng.
Phường Liên Hoà cũng tổ chức rà soát, xác định vật tư dự trữ trong kho của Hạt Quản lý đê tại khu phố Phong Hải 7 và tại các bãi tập kết tại các vị trí xung yếu ngoài hiện trường để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3; các vật tư hiện có gồm: Rọ thép 2.610 cái, dây thép buộc 1.702kg, bao tải 10.000 cái và các loại công cụ cầm tay khác. Đá hộc 8.055m³ phân bổ tại các điểm xung yếu, tại chân cơ đê phía đồng trên tuyến đê Hà Nam tại các khu vực: K10+500 ÷ K11+600: 4.847 m³; K13: 849m³;K14+500 ÷ K14+920: 1.359m³; K23+500: 1.000m³. Đối với 38 cửa cống qua đê, UBND phường đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy quân sự phường và tổ chức có liên quan bố trí lực lượng lắp cánh phai tại vị trí các cửa cống, đảm bảo an toàn khi có bão, mực nước triều cường dâng cao.
Ông Dương Văn Hào, Bí thư Đảng uỷ phường Liên Hoà, cho biết: Để chủ động ứng phó với bão Wipha, phường đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên theo phương châm “4 tại chỗ”. Phường tiếp tục rà soát toàn bộ phương án phòng, chống thiên tai của phường, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân sự và các tổ chức đoàn thể để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Riêng đối với hệ thống đê điều trên địa bàn, phường đã huy động lực lượng kiểm tra, gia cố các điểm xung yếu; luôn chuẩn bị sẵn vật tư và bố trí nhân lực tại các vị trí trọng điểm, nhất là chân đê phía đồng và các cửa cống. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc ứng trực 24/24h tại các đoạn đê có nguy cơ sạt trượt; đồng thời sẵn sàng phương án lắp cánh phai, vận hành cống khi có triều cường dâng cao.

Hiện nay, hệ thống đê toàn tỉnh có khoảng 397km (gần 34km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V), hệ thống đê này có nhiệm vụ bảo vệ khoảng 43.600ha diện tích và khoảng 250.000 người. Hệ thống đê có khả năng chịu được gió bão cấp 9 - 10 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc.
Để chủ động ứng phó với các ảnh hưởng của bão, các phường, xã ven biển, có tuyến đê đã huy động lực lượng dân quân, đội xung kích phòng chống thiên tai và người dân sở tại để gia cố mái đê, chèn bao tải đất, bổ sung rọ đá, cọc tre chống xói chân đê, đặc biệt tại các vị trí tiếp giáp cửa sông, ven biển dễ bị sóng đánh vỗ mái. Cùng với đó, các phường, xã cũng đã khẩn trương rà soát, lập danh sách và thông báo yêu cầu di dời các hộ dân sinh sống trong khu vực đê bao, vùng trũng thấp đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Công tác di dời được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ. Các điểm sơ tán được bố trí đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu, an toàn cho người dân trong thời gian trú tránh bão. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng thường trực 24/24 tại khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Để giảm áp lực lên hệ thống đê sông khi bão gây mưa lớn trên lưu vực, 176 hệ thống hồ đập, thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng đã được rà soát dung tích phòng lũ, chủ động hạ thấp mực nước đón lũ theo quy trình vận hành được phê duyệt. Các trạm bơm tiêu úng, tiêu thoát nước đô thị và vùng sản xuất thấp trũng đã được bảo dưỡng, thử tải; chuẩn bị nguồn điện dự phòng và nhiên liệu để vận hành liên tục trong điều kiện mưa bão.
Chị Lê Thị Xuyến, Cụm thủy nông số 4, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập cho biết: Chúng tôi đã bố trí lực lượng trực 24/24 tại khu vực trạm bơm để theo dõi sát mực nước và vận hành kịp thời các thiết bị. Khi mực nước dâng cao, chúng tôi sẵn sàng vận hành trạm bơm để tiêu thoát nước nhanh, không để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu và hệ thống đê điều xung yếu. Cùng với đó, Công ty cũng đã kiểm tra, củng cố các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương, van xả nhằm sẵn sàng vận hành hiệu quả trong mọi tình huống.
Hiện, các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp cũng đã kiện toàn lực lượng “4 tại chỗ”; thiết lập kênh liên lạc 24/24h trong suốt thời gian bão đổ bộ và mưa sau bão. Đặc biệt, tại các xã, phường có tuyến đê kết hợp giao thông, phương án cấm đường khi gió to, triều cường lớn đã được chuẩn bị sẵn để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Ý kiến ()