
Tiếp sức cho người nghèo, xã nghèo, thôn nghèo thoát nghèo
Đất nước dù đã bước qua giai đoạn khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao nhưng chưa thể phủ được hết vậy nên vẫn còn có những hoàn cảnh khó khăn, những xã, thôn nghèo cần sự hỗ trợ để có đòn bẩy vươn lên. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước bằng nhiều chủ trương, chính sách đã đầu tư cho khu vực miền núi, nông thôn, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn do điều kiện canh tác, do trình độ sản xuất, do nhận thức… Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều tích cực chung tay, góp sức hỗ trợ cho người nghèo, xã nghèo, thôn nghèo bằng cả vật chất, tinh thần.
Người nghèo, xã nghèo, thôn nghèo đón nhận sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ đó bằng rất nhiều nỗ lực, cố gắng, những lá đơn xin được ra khỏi diện hộ nghèo ngày càng nhiều chứng tỏ sự thay đổi về nhận thức và quyết tâm thoát nghèo của người nghèo. Để họ có động lực tiếp tục trong hành trình vượt khó vươn lên cần có sự tiếp sức trong giai đoạn đầu đi qua khó khăn.
Tỉnh Quảng Ninh với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, sự phát triển giữa các khu vực có sự chênh lệch lớn, đời sống người dân khu vực này còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD gấp 1,3 lần so với 2015 (3.900 USD), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 1,2% năm 2018, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã giảm được 10 xã so với năm 2015 (22 xã); hiện nay, có 72/111 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời, tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng (điện, đường bê tông, trường học...) khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là các khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Đặc biệt với Đề án 196 (hỗ trợ các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn), trong giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã bố trí gần 1.700 tỷ đồng cho các hợp phần hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và kinh phí quản lý... đã có gần 600 công trình điện, đường, trường học, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt... được đầu tư; gần 8.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống cây, con để phát triển kinh tế. Cùng với nguồn lực của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân và nhân dân toàn tỉnh đã chung tay, góp sức hỗ trợ các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.
Sự phát triển, chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, giữa đô thị và nông thôn đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng “không để ai bị tụt lại phía sau”, đó là đạo lý tốt đẹp của dân tộc đang được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh phát huy. 4.248 hộ nghèo, 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, đồng bào dân tộc của tỉnh Quảng Ninh còn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng. Và phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vừa có thư kêu gọi tham gia ủng hộ đồng bào nghèo và các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2019. Theo đó, mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục mở rộng vòng tay nhân ái tích cực hỗ trợ, đóng góp tiền, hiện vật để chung sức cùng tỉnh giúp đồng bào nghèo, khu vực đặc biệt khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong tỉnh.
Tinh thần "tương thân tương ái" không chỉ là cho con cá, cho cần câu, sự động viên, chia sẻ đối với người nghèo, thôn nghèo, xã nghèo mà để sự thoát nghèo đó là bền vững khơi gợi ý chí làm giàu cần được tiếp tục nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ngọc Lan
Ý kiến ()