Tiền hỗ trợ "heo tai xanh", bao giờ?
Nhớ lại mấy năm trước, khi miền Trung bị dịch lở mồm long móng, riêng chuyện tiền hỗ trợ trên đầu trâu bò bị dịch cũng đã gây ra lắm chuyện. Đã có đơn kiện, và đã có người nuôi trâu bò bị dịch vác đơn hầu kiện cả năm trời, tốn rất nhiều công sức cho cả người kiện lẫn những cơ quan phải giải quyết khiếu kiện. Khi dịch "heo tai xanh" bùng phát ở miền Trung, nhiều tỉnh đã kịp thời tuyên bố dịch và có biện pháp khoanh vùng và dập dịch, nên cho tới giờ này dịch chưa lan rộng trong toàn quốc, và có cơ may sẽ lụi tàn. Nhưng "của đau con xót", tâm lý của người nghèo nuôi heo, là nếu chưa thấy tiền hỗ trợ đâu, mà heo mới bỏ ăn chớm bệnh, người ta có thể tìm mọi cách bán tống bán tháo để "gỡ" lại được đồng nào hay đồng ấy. Chính điều đó đã làm dịch có nguy cơ lan rộng. Bây giờ thì người tiêu dùng miền Trung đã biết sợ khi ra chợ mua thịt heo hay vào quán bún ăn món bún giò heo khoái khẩu. Nhiều khi, người tiêu dùng do quá sợ nên chẳng còn phân biệt heo bệnh với heo lành, cứ thấy thịt heo là... tránh. Đó cũng là một tâm lý gây bất lợi rất lớn cho những hộ nuôi heo và những người làm dịch vụ bán thịt heo. Nhiều quầy thịt heo ở các chợ đã phải tự động nghỉ bán, vì có bán cũng chẳng có người mua. Các quán bún giò heo cũng nhanh chóng chuyển "kênh" sang bán bún bò hoặc bún cá nhằm giữ khách và có tiền độ nhật. Như ở Quảng Ngãi, thì theo ủy ban tỉnh cho biết, đã có công văn gửi thành phố và các huyện trong tỉnh, cho phép trích quỹ dự phòng của địa phương (huyện nào quỹ dự phòng thiếu, báo cáo tỉnh sẽ được bổ sung) để hỗ trợ cho các hộ nuôi heo bị dịch "tai xanh". Có thể nói, huyện nào, địa phương nào triển khai nhanh việc hỗ trợ ngày nào, thì khả năng khoanh vùng và dập dịch tiến triển khả quan ngày ấy. Vì người nuôi heo khi có lựa chọn: hoặc "thành thật khai báo" số lượng heo bệnh để được kiểm định, tiêu hủy và nhận tiền hỗ trợ, hoặc "ém nhẹm" tình trạng heo bệnh mong bán đổ bán tháo (thực tế bây giờ là rất khó bán, hoặc chỉ bán được với giá thấp hơn rất nhiều so với giá hỗ trợ). Chắc chắn, khi biết có tiền hỗ trợ, nhất là khi tận mắt thấy "tiền tươi" sẵn sàng từ các cơ quan công quyền, người nuôi heo sẽ an tâm khai báo heo bệnh, làm thủ tục tiêu hủy để được nhận tiền hỗ trợ theo đúng chế độ. Quy trình này thực hiện nhanh và tốt chừng nào thì thiệt hại do dịch "heo tai xanh" gây ra cho cộng đồng giảm nhanh chừng đó. Ngược lại, khi các địa phương chậm chạp rề rà khi triển khai tiền hỗ trợ, không tích cực kiểm định đúng số lượng heo bệnh để tiêu hủy và hỗ trợ cho dân, thì nỗi kinh hoàng mang tên "heo tai xanh" sẽ còn ám ảnh dài dài tới cộng đồng. Người tiêu dùng thiệt đơn, người chăn nuôi thiệt kép, còn Nhà nước thì thiệt... mười. Chắc chắn, từ Nhà nước tới nhân dân, không ai muốn như vậy.
Ý kiến ()