Tích cực hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bởi việc hoàn thành giải ngân nguồn vốn này giúp các công trình, dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, làm động lực cho phát triển các ngành kinh tế, tạo đà tăng trưởng, phát triển cho các lĩnh vực, địa phương.
Xác định rõ nhiệm vụ này, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, thông báo, kết luận chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình; xác định giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần quan tâm chỉ đạo để thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ở nhiều địa phương, sở, ngành, đơn vị còn chậm.
Tính đến ngày 27/9, toàn tỉnh giải ngân được 5.837/15.854 tỷ đồng, đạt 42,3% so với kế hoạch giao đầu năm. Cụ thể, ngân sách Trung ương giải ngân 405/584,3 tỷ đồng, đạt 69,3% (cùng kỳ đạt 16,8%); ngân sách tỉnh giải ngân 1.941/6.323 tỷ đồng, đạt 30,7% (cùng kỳ đạt 45%); ngân sách huyện, xã giải ngân 3.940/8.676 tỷ đồng, đạt 40,2% (cùng kỳ đạt 44%).
Trong số nhiều địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành tích cực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thì vẫn còn có một số đơn vị giải ngân nguồn vốn này chậm, như đối với cấp tỉnh có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (30,3%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (19,4%), Công an tỉnh (9,6%), Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh (0%), Trường Đại học Hạ Long (0%)... Đối với cấp huyện có một số địa phương như: Đông Triều (31,2%), Bình Liêu (31,6%), Cẩm Phả (29,4%), Uông Bí (29,7%), Hải Hà (27,6%)...
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp được chỉ ra là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt; vướng mắc về một số cơ chế chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công; xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp; thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp; xử lý tài sản công…
Từ nay đến hết năm 2023 thời gian không còn nhiều, vì vậy việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần phải được tăng cường hơn nữa, nhất là với những sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này còn chậm và thấp.
Quyết tâm cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần quyết tâm hơn nữa, chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tích cực thực hiện, nỗ lực hoàn thành; xác định khối lượng thực tế của từng dự án đã thực hiện để đẩy nhanh thanh quyết toán; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án; xem xét, thay thế đơn vị nhà thầu không đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ thi công và giải ngân. Các địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong giải ngân vốn đầu tư công. Quảng Ninh cũng coi việc thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ quan trọng khi xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn nước rút của quý IV. Mọi công việc, nhiệm vụ, mục tiêu trong khoảng thời gian cuối năm là rất nhiều, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, vì vậy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa của các sở, ban, ngành, địa phương.
Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2023 giải ngân 80% và đến ngày 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công giao đầu năm. Nhìn vào con số giải ngân của gần 9 tháng cho thấy các đơn vị, địa phương, sở, ban, ngành liên quan còn rất nhiều việc phải làm và cần sự nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa.
Ý kiến ()