
Thể thao Quảng Ninh: Dấu ấn lịch sử 70 năm phát triển và vươn tầm quốc tế
Năm 2024, thể thao Quảng Ninh đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển - một hành trình khởi nguồn từ kháng chiến, hun đúc ý chí, lan tỏa phong trào, vươn tới đỉnh cao thành tích. Thực tế, hành trình ấy đã bắt đầu từ gần 80 năm trước, giữa khói lửa kháng chiến, khi thể thao trở thành sức mạnh tinh thần Vùng mỏ. Từ phong trào công nhân đến những tấm huy chương quốc tế, thể thao Quảng Ninh đã trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó và khát vọng vươn xa.
Vượt khó giai đoạn chiến tranh
Ngay từ năm 1946, sau khi chính quyền cách mạng được thiết lập tại Vùng mỏ, phong trào thể thao bắt đầu nở rộ tại các khu vực trọng điểm như Mạo Khê, Cẩm Phả, Hòn Gai. Đây là những nơi có phong trào công nhân mạnh mẽ, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn cam go, thể thao trở thành công cụ hữu hiệu để cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết quân dân, rèn luyện thể chất và bồi dưỡng ý chí chiến đấu.

Giải thể thao đầu tiên do chính quyền cách mạng tổ chức diễn ra tại Mạo Khê, nơi được xem là cái nôi của thể thao cách mạng tỉnh Quảng Ninh. Những môn thể thao phổ biến khi đó như kéo co, đẩy gậy, chạy việt dã, cờ người… thường gắn với các lễ hội truyền thống và ngày lễ lớn của cách mạng. Các giải đấu quy mô nhỏ, tổ chức đơn sơ, song có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần và xã hội.
Sau năm 1954, phong trào thể dục thể thao ở Quảng Ninh được mở rộng về quy mô và hình thức, gắn với nhiệm vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ở các khu mỏ, các đội thể thao phong trào được thành lập trong công nhân, như tại các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Hà Lầm, Mạo Khê… Các địa phương vùng nông thôn ở Đông Triều, Quảng Yên cũng bắt đầu tổ chức các giải bóng chuyền, bóng đá thanh niên, điền kinh cơ sở, kết hợp chặt chẽ với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Năm 1967, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ nhất, đánh dấu một bước phát triển mới của thể thao địa phương. Đây là dịp để các huyện, thị xã thể hiện kết quả phong trào rèn luyện và là nền tảng để tuyển chọn lực lượng vận động viên thi đấu tại các giải cấp khu vực, quốc gia.
Sau năm 1975, đất nước vừa thống nhất, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, song phong trào thể thao quần chúng vẫn được duy trì ở nhiều địa phương. Nhiều môn thể thao dân tộc như vật cổ truyền, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co… tiếp tục phát triển trong các dịp lễ hội vùng cao ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ. Ở Vùng mỏ, phong trào bóng đá, bóng bàn trong công nhân được các đơn vị như Công ty Than Cọc Sáu, Than Vàng Danh duy trì thường xuyên.
Dù điều kiện vật chất còn hạn chế, tỉnh vẫn cử vận động viên thi đấu tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT toàn quốc, bước đầu có huy chương ở các môn võ thuật, điền kinh, bơi lội.

Năm 1976, đánh dấu bước ngoặt khi tỉnh Quảng Ninh được tái lập và hệ thống tổ chức thể thao được củng cố, phát triển. Các đội tuyển thể thao được hình thành theo hướng bài bản hơn, có tổ chức và huấn luyện chuyên nghiệp hơn, từ đó mở ra cơ hội dự các giải thể thao cấp quốc gia.
Vươn lên khẳng định mình
Giai đoạn đổi mới, ươm mầm thể thao đỉnh cao, hướng tới chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ năm 1980. Khi ấy, tỉnh thành lập đội bóng đá Than Quảng Ninh - tiền thân của CLB sau này. Đây là biểu tượng thể thao đặc sắc của Vùng mỏ, quy tụ nhiều cầu thủ chất lượng, thi đấu ở các giải hạng cao trong hệ thống bóng đá Việt Nam. Giai đoạn này, thể thao thành tích cao bắt đầu hình thành rõ nét. Nhiều môn thể thao thế mạnh được xác định như cử tạ, điền kinh, võ thuật, bóng chuyền.

Từ năm 1996 trở đi, Quảng Ninh đã chuyên nghiệp hóa thể thao với việc đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, xây dựng trường năng khiếu và các trung tâm thể thao cấp tỉnh, huyện. Các môn thế mạnh như karate, judo, wushu, điền kinh liên tiếp giành huy chương tại các giải quốc gia, khu vực.
Giờ đây, thể thao Quảng Ninh đã phát triển mạnh mẽ cả về phong trào và thành tích cao, nhờ sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng và đào tạo. Nhiều công trình quy mô như: Khu liên hợp thể thao tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội trợ và Triển lãm tỉnh, các sân vận động, nhà thi đấu… được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.
Khu liên hợp thể thao tỉnh (phường Đại Yên, TP Hạ Long) trở thành nơi đào tạo trọng điểm, với mô hình huấn luyện 3 tuyến, đội ngũ HLV chuyên nghiệp và hàng trăm VĐV được đào tạo bài bản. Từ nền tảng đó, Quảng Ninh vươn lên khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao quốc gia và khu vực, đặc biệt ở các môn thế mạnh như: Pencak Silat, Bắn cung, Điền kinh, Đua thuyền, nhóm thể thao dưới nước...

Trong môn cờ vua, Nguyễn Anh Dũng - Đại kiện tướng quốc tế đầu tiên của Việt Nam, là niềm tự hào của đất mỏ. Kế tiếp là Nguyễn Lê Cẩm Hiền (HCV U8 Giải trẻ thế giới 2015), Nguyễn Hoàng Đức (vô địch U18 Đông Nam Á 2016). Môn Pencak Silat ghi dấu với Lâm Thị Hương, Lê Thị Hằng, Lê Thị Thu Hằng, góp phần vào 5 HCV thế giới giai đoạn 2000-2005. Bóng đá nữ Quảng Ninh nổi bật với các tuyển thủ quốc gia như Dương Thị Vân (3 HCV SEA Games, dự World Cup nữ 2023) và Nguyễn Thị Vạn (ghi 3 bàn tại SEA Games 30).
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX (2022), Quảng Ninh giành 21 HCV, 13 HCB, 35 HCĐ, xếp hạng 12 toàn quốc; đội bóng đá nữ đoạt HCV lần đầu trong lịch sử tham dự Đại hội. Tại SEA Games 32 (Campuchia, 2023), Quảng Ninh có 14 VĐV, 4 HLV được triệu tập vào Đoàn Thể thao Việt Nam, thi đấu ở 6 môn: bóng đá nữ, bóng chuyền nữ, bơi, võ gậy, cờ tướng và khiêu vũ thể thao, mang về 4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ - thành tích tốt nhất từ trước đến nay của tỉnh tại một kỳ SEA Games.
Trong đó, nhóm thể thao dưới nước (bơi, lặn, nhảy cầu, canoeing, rowing) chiếm trên 50% tổng số HCV thành tích cao của tỉnh. Nhiều gương mặt như: Ngô Đình Chuyền (bơi), Phương Anh, Thế Anh (nhảy cầu), Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung, Nguyễn Thị Đào (đua thuyền)... đã ghi dấu ấn ở đấu trường quốc gia và khu vực.

Thể thao quần chúng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với hơn 40% dân số thường xuyên luyện tập TDTT. Các giải thể thao cộng đồng, giải chạy marathon, đua xe đạp phong trào, thể thao biển... được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, gắn với du lịch, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh và hình ảnh năng động cho người dân Quảng Ninh.
Từ nền tảng thành tựu đã đạt được, thể thao Quảng Ninh đang chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, với đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, nâng cao huấn luyện và chú trọng đào tạo vận động viên trẻ theo phương pháp hiện đại.
Không chỉ hướng tới thành tích cao, thể thao tỉnh còn gắn kết với văn hóa - du lịch qua các giải đấu lớn, sự kiện quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Với chiến lược rõ ràng và nguồn lực tập trung, Quảng Ninh đang khẳng định vị thế là trung tâm thể thao mạnh của khu vực.

Từ kháng chiến đến hội nhập, thể thao Quảng Ninh hôm nay đang dần hướng tới phát triển toàn diện, bền vững và hội nhập sâu rộng, gắn chặt với bản sắc văn hóa địa phương.
Ý kiến ()