
Thúc đẩy nông, lâm, ngư nghiệp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế
Năm 2025, Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14% trở lên. Cùng với các ngành kinh tế trọng điểm, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục được tỉnh thúc đẩy mạnh với những giải pháp cụ thể.
Sau cơn bão số 3 năm 2024, cùng với nhiều lĩnh vực, nông, lâm, ngư nghiệp của Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm cho bà con và doanh nghiệp. Ngay sau bão, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp phục hồi kinh tế.
Bước sang năm 2025, tỉnh quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên, trong đó có nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp. Đặc biệt, chỉ đạo có giải pháp cơ cấu lại cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, quan tâm bố trí các hộ dân nuôi biển vào khu vực quy hoạch vùng nuôi biển mới; triển khai các biện pháp xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại và phục hồi, trồng lại rừng nhằm duy trì bền vững sinh kế cho người dân, từng bước nâng cao chất lượng tỷ lệ cho phủ rừng...
Lĩnh vực trồng trọt cũng được tỉnh chỉ đạo nhanh chóng khôi phục và phát triển, nhất là sau bão số 3 năm 2024. Vụ đông năm 2024 toàn tỉnh đã gieo trồng 8.054ha, đạt 100% kế hoạch. Giá trị doanh thu sản phẩm cây trồng vụ đông năm 2024 đạt khoảng 1.785 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so với vụ đông năm 2023. Với sản lượng và giá trị cây vụ đông đã cơ bản bù đắp được sản lượng lương thực bị thiệt hại sau bão. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi cải tạo chuồng trại, thu gom xử lý rác thải, chất thải; tham mưu đề nghị Bộ NN&MT hỗ trợ 10.000 lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia; tiếp nhận và cấp phát hỗ trợ hóa chất cho 7 địa phương bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3.
Đặc biệt, ngành lâm nghiệp đã chủ động trồng lại rừng bị thiệt hại sau bão, khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, nhất là khu vực trọng yếu như ven biển, đầu nguồn suối, các vùng đồi núi dễ sạt lở; trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có khả năng chống chịu bão và bảo vệ môi trường; khuyến khích các mô hình trồng rừng kết hợp với phát triển kinh tế nông thôn, như trồng rừng gỗ lớn, sản xuất cây giống, phát triển du lịch sinh thái... Các công ty lâm nghiệp trong tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ người dân tái trồng rừng, cung cấp giống cây chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Ngoài ra, toàn tỉnh cũng triển khai thanh lý trên 1.000ha rừng trồng phòng hộ, sản xuất của các công ty lâm nghiệp. Các đơn vị chủ rừng đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ thanh lý rừng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024 (Yagi) đối với diện tích rừng phòng hộ thiệt hại trên 70%.
Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng trên 31.840ha rừng, tăng gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, công tác cung ứng nguồn giống lâm nghiệp cũng đã được ngành nông nghiệp chú trọng từ sớm để phục vụ nhu cầu trồng và phát triển rừng của tỉnh.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp các phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp, phục vụ phát triển lâm nghiệp của tỉnh; chỉ đạo các công ty lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh cây giống chủ động hoàn thành kế hoạch của đơn vị đề ra. Điển hình, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ năm 2025 đặt mục tiêu trồng 1.400ha rừng, trong đó có 1.100ha rừng sản xuất và 300ha rừng phòng hộ. Với diện tích rừng trồng rất lớn, gấp 3 lần so với những năm trước nên lượng giống cây trồng năm nay phải có là hơn 3 triệu cây. Công ty đã chủ động ươm và đặt hàng cây giống tại các đơn vị có năng lực sản xuất...

Với nhiều giải pháp, công tác trồng rừng có kết quả tích cực. Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên toàn tỉnh năm 2024 là 433.665,93ha; trong đó, rừng và đất rừng đặc dụng 30.034,1ha; rừng và đất rừng phòng hộ 132.814,59ha; rừng và đất rừng sản xuất 270.807,23ha. Toàn bộ diện tích rừng của Quảng Ninh hiện đã được giao cho các chủ rừng và tổ chức quản lý.
Tác động từ cơn bão số 3 xảy ra ngày 7/9/2024, rừng Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề khiến tỷ lệ che phủ rừng đã bị kéo giảm từ 55,5% thời điểm trước bão xuống 38% thời điểm sau bão. Với sự nỗ lực khôi phục rừng, hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 45,5%, vượt mục tiêu năm 2025 về tỷ lệ che phủ rừng (45%). Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh bước vào vụ trồng rừng mới và đã trồng 15.333ha, bằng 410% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh quyết tâm hoàn thành mục tiêu trồng mới rừng năm 2025.
Bên cạnh đó, để phát triển thủy sản bền vững, khôi phục nhanh chóng diện thiệt hại sau bão số 3, tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng sinh thái, ứng dụng KHCN tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất; tổ chức sản xuất, quản lý trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, liên vùng; bố trí sắp xếp khu vực biển để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư, phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản. Đồng thời, cơ cấu lại đội tàu cá theo hướng giảm nhanh, bền vững đội tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, phát triển hợp lý và hiện đại hoá đội tàu cá; thành lập các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy phát triển thuỷ sản…
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 11 hồ sơ cấp phép nuôi biển; tiếp nhận 3 hồ sơ giao biển. Cấp huyện cũng tiếp nhận 648 hồ sơ và hoàn thành giao khu vực biển cho 560 cá nhân. Quý I/2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 36.082 tấn, vượt 3,5% so với kế hoạch đề ra.
Hiện tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại không gian nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh nuôi biển, phát huy lợi thế vùng, liên vùng; hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Tỉnh cũng tập trung nghiên cứu tập trung đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp cảng cá tại huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô; đầu tư mới Trung tâm Hậu cần nghề cá tại TP Hạ Long, cảng cá loại 3 tại xã Tiến Tới (huyện Hải Hà); củng cố và duy trì 5 khu neo đậu tránh trú đã được công bố đủ điều kiện; thành lập 3 khu bảo tồn biển, ban hành quy định quản lý 13 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Với những nỗ lực trên, ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh đã và đang khôi phục, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2025.
Ý kiến ()