Thúc đẩy bình đẳng giới: Tăng quyền năng cho phụ nữ
Bằng các chính sách và hành động cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trên nhiều lĩnh vực.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các mô hình, hoạt động về bình đẳng giới. Hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em. Thông qua đó đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Các địa phương đã chủ động duy trì hoạt động của nhiều mô hình bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và triển khai xây dựng 33 mô hình bình đẳng giới, thành lập 110 CLB Hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, trên 100 địa chỉ tin cậy và nhiều nhà tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã. Sở LĐ-TB&XH đã thí điểm nhân rộng 11 mô hình về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố; triển khai mô hình thí điểm "Thành phố an toàn, thân thiện, chống quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em nơi công cộng" tại TP Hạ Long; mô hình nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại các địa phương.
Định kỳ hằng quý, CLB Phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phường Cao Xanh (TP Hạ Long) lại tổ chức sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề liên quan đến xây dựng gia đình hạnh phúc, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về phòng chống mua bán người, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Trang bị cho thành viên CLB các kỹ năng, kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, không có bạo lực. Anh Lê Hữu Trí, thành viên CLB cho biết: Thông qua mô hình CLB, hoạt động đấu tranh vì bình đẳng giới, phụ nữ có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân và có những đóng góp cho xã hội.
Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình "Hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" mang tên Ngôi nhà Ánh Dương, do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ. Khi phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới và có nhu cầu được hỗ trợ, thay vì phải tìm kiếm nhiều dịch vụ hỗ trợ cùng một lúc, họ chỉ cần thông qua việc kết nối tới Ngôi nhà Ánh Dương để làm đầu mối thực hiện tất cả các khâu của quy trình, từ hỗ trợ, can thiệp, đến xử lý và được miễn phí hoàn toàn.
Công tác quy hoạch cán bộ nữ được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để nữ cán bộ có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh. Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Quảng Ninh đều có cơ cấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND tăng cao hơn quy định và có cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh.
Không chỉ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND nhiều hơn so với quy định của Trung ương, giai đoạn 2021-2026, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh cũng tăng lên. Hiện nay, cơ quan chủ chốt tại chính quyền cấp tỉnh có lãnh đạo nữ đạt 100%. Cơ quan chủ chốt tại chính quyền cấp huyện có lãnh đạo nữ chiếm tỷ lệ 15,38%; HĐND huyện có lãnh đạo là nữ chiếm tỷ lệ 46,15%; cấp xã lãnh đạo là nữ chiếm tỷ lệ 45,76%. Cơ quan MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo quản lý là nữ chiếm 83,33%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Có thể nói, những kết quả đạt được về bình đẳng giới trong thời gian qua ở Quảng Ninh là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội ổn định, phát triển bền vững.
Ý kiến ()