"Thổi hồn" cho Carnaval Hạ Long...
Carnaval Hạ Long 2014 đã khép lại với nhiều dư âm, vui có mà buồn cũng có. Nhưng không thể không thừa nhận, Carnaval Hạ Long là đêm hội đã “hút” khách tới Quảng Ninh đông hơn trong những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua. Người ta đến Carnaval vì nhiều lẽ; có người là vì tò mò, nghe báo chí tuyên truyền nhiều về nó với không ít những mỹ từ, nên cũng đến “thử xem sao”; có người là vì muốn xem mặt những người mẫu, hay nghe các ca sĩ nổi tiếng hát v.v.. Nói tóm lại, Carnaval Hạ Long sau 7 năm tổ chức thường niên, năm 2014 này vẫn “giữ được phong độ”, vẫn chưa “mất khách”…
Tuy nhiên, nói thì nói vậy nhưng theo nhận xét của nhiều người, cái sự “đông khách” của Carnaval Hạ Long 2014 chưa chứng tỏ được rằng nó đã và đang thực sự là một “thương hiệu” của Du lịch Quảng Ninh như người ta vẫn hay nói trên báo chí hay trong các cuộc hội nghị. Bởi lẽ, cho dù các chủ đề trình diễn đều là về Hạ Long, về Quảng Ninh, song xét cho cùng, Carnaval Hạ Long vẫn chỉ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật cho khán giả xem, chứ chưa tạo nên được “sự khác biệt” mang bản sắc Quảng Ninh, bản sắc Hạ Long. (Về điều này, xin mạo muội nói rằng, còn lâu Carnaval Hạ Long mới được như Lễ hội Quan họ của Bắc Ninh, Lễ hội Đức Thánh Trần của Nam Định, hay gần hơn là Lễ hội Yên Tử ở ngay tại Quảng Ninh v.v..).
Điều này từ các kỳ Carnaval trước cũng đã có người đề cập, cho rằng Carnaval Hạ Long là một sáng kiến hay để quảng bá cho Du lịch Quảng Ninh; nhưng nếu chỉ dừng lại trong khuôn khổ một chương trình biểu diễn nghệ thuật như hiện nay thì khó mà tạo được tính hấp dẫn lâu dài. Chỉ khi hoạt động này được tổ chức như một Lễ hội truyền thống, gắn với những phong tục, tập quán, những nét văn hoá dân gian mang tính đặc trưng của địa phương, mà ở đó du khách và người dân không chỉ đến để “xem biểu diễn nghệ thuật”, họ còn đến để trải nghiệm không khí lễ hội nữa, thì nó mới thực sự hấp dẫn, mới thực sự tạo nên tính khác biệt...
Ý kiến này không phải không có lý! Chúng ta đều biết, tính hấp dẫn, thu hút khách thập phương của các lễ hội văn hoá truyền thống chính là “cái hồn” của nó. “Cái hồn” đó có thể là tâm linh, có thể là sự độc đáo, lạ lẫm, khác thường v.v.. Nếu không có ít nhất là một trong những yếu tố này thì chắc chắn nó sẽ dần mai một theo năm tháng... Tất nhiên, để một sự kiện, một hoạt động văn hoá trở thành một lễ hội mang tính truyền thống như vậy thì cần có thời gian, không phải là vài, ba năm, mà là hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm; nhưng với Vịnh Hạ Long, một danh thắng tiềm ẩn nhiều “nét đẹp cổ tích”, điều này là rất nên làm và có thể làm được! Vấn đề là ở chỗ làm sao để ‘thổi hồn” cho Carnaval? Làm sao để “linh thiêng hoá” những “nét đẹp cổ tích” của Vịnh Hạ Long trong Carnaval? Làm sao để tạo “sự độc đáo” hay “tính khác biệt”, thay vì cứ “đến hẹn lại lên”, du khách và người dân mỗi năm lại được “xem biểu diễn” Carnaval một lần? Nếu vậy, cho dù “thực đơn” trong chương trình có thay đổi, cho dù các người mẫu, các ca sĩ, nghệ sĩ, các đoàn biểu diễn nghệ thuật v.v.. năm sau được “làm mới” hơn năm trước, thì cũng sẽ đến một lúc người ta thấy Carnaval Hạ Long nhàm chán, không hấp dẫn nữa!
Là người dân sống ngay tại Khu du lịch Bãi Cháy nên qua 7 kỳ Carnaval Hạ Long, chưa có kỳ nào tôi vắng mặt! Vậy nên “thấy gì nói nấy”, “nghĩ gì nói nấy”, nếu có chỗ nào “chưa tới”, xin được chỉ giáo! Chỉ mong sao Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung, trong tương lai có một “Lễ hội Hạ Long” theo đúng nghĩa của từ này; còn tên gọi là Carnaval hay là gì đi nữa, kể cũng không quan trọng...
Trung Luận
Ý kiến ()