
Theo dõi chặt chẽ, tăng cường phòng, chống dịch sởi, cúm
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố trong nước đã xuất hiện dịch sởi, cúm. Trong đó, bệnh sởi có xu hướng gia tăng, có địa phương đã công bố dịch sởi. Trong khi, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, việc chủ động theo dõi, tăng cường phòng, chống của người dân, cũng như ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở là vô cùng cần thiết.
Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 116/CĐ-TTg yêu cầu, ngành y tế hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện việc theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Đối với các tỉnh, thành phố, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi; khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi…

Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống bệnh sởi, cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong đó, chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tiêm chủng chống dịch sởi, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình; đảm bảo kinh phí và huy động sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn. Các địa phương thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm; đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đồng thời, chỉ đạo việc tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, các cụm, khu công nghiệp, các địa điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu vực công cộng tập trung đông người.
Với Quảng Ninh, từ đầu năm 2025 đến nay, CDC Quảng Ninh đã giám sát 50 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 32 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi. Riêng tại TP Hạ Long, tính đến hết ngày 7/2 đã ghi nhận 16 ca dương tính với vi rút sởi; đặc biệt ghi nhận chùm ca bệnh tại khu 8, phường Hà Phong với 16 ca mắc.
Để tăng cường phòng, chống bệnh sởi, CDC Quảng Ninh đã hướng dẫn các địa phương, hộ gia đình khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch sởi; chủ động đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời…
Dịp đầu xuân, thời tiết thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển, lây lan, nhất là dịch sởi, cúm và các bệnh về đường hô hấp. Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan thì ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, việc chủ động phòng, chống của các gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ý kiến ()