Thanh tra được báo trước (!?)
Nội dung thanh tra là việc ký kết, thực hiện hợp đồng, cung cấp các loại thẻ, kinh doanh các thiết bị gọi điện thoại internet của các đại lý, tổng đại lý, các điểm dịch vụ internet; việc đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh đại lý internet; việc tuân thủ nghĩa vụ của đại lý internet...
Trước cách làm này của ngành Bưu chính – Viễn thông dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu hiệu quả của đợt thanh tra có đạt được khi không còn yếu tố bất ngờ? Thực tế hiện nay hoạt động kinh doanh dịch vụ điện thoại, internet còn khá nhiều bất cập và vi phạm. Đơn cử như việc truy cập vào các trang thông tin đồi truỵ, phản động còn quá dễ dàng. Rồi dịch vụ cài đặt các hình ảnh, thông tin không lành mạnh vào máy điện thoại cho khách hàng diễn ra khá phổ biến. Đó là chưa kể các quy định về diện tích phòng, giờ giấc mở đóng cửa, việc kiểm soát người truy cập hầu như không thực hiện đúng theo quy định. Những vi phạm này chỉ có thể được phát hiện, xử lý nếu việc thanh tra được thực hiện đột xuất, bất ngờ. Còn một khi đã thông báo trước thì các cơ sở kinh doanh chẳng dại gì mà không đối phó bằng cách xoá bỏ các dữ liệu, các nội dung không được phép; bổ sung các điều kiện còn thiếu v.v. Và như vậy kết quả thanh tra sẽ khó phát hiện ra những sai phạm để chấn chỉnh, xử lý.
Trao đổi với chúng tôi về sự “báo động trước” này, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông cho biết, đúng là cách làm này sẽ kém hiệu quả vì các cơ sở sẽ tìm mọi cách để đối phó, nhưng vì đây là theo chỉ đạo của Bộ Bưu chính - Viễn thông nên phải triển khai thực hiện(!)
Trong nghiệp vụ cũng như thực tế công tác thanh tra có những cuộc thanh tra cần báo trước để cơ sở chuẩn bị tài liệu, số liệu đầy đủ. Song, có những cuộc, nội dung thanh tra không thể báo trước mà cần phải có yếu tố bất ngờ thì hiệu quả mới cao, mới phản ánh đúng thực tế, nhất là với những đối tượng tính tự giác chưa cao.
Hy vọng đây cũng là kinh nghiệm, bài học để các cấp, các ngành triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo tính khoa học, thực tế và hiệu quả hơn.
Ý kiến ()