Tết đến, xuân về - ấy là lúc người người, nhà nhà sum vầy, quây quần bên gia đình nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả, xa nhà. Nhưng cũng chính lúc sung sướng, hạnh phúc ấy là khi chúng ta nghĩ đến những người còn khó khăn thiếu thốn, cần được sẻ chia. Đó chính là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chuyện kể rằng, Tết Bính Tý năm 1946 – mùa xuân độc lập đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vào thời khắc giao thừa, mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì Bác Hồ xắn quần, đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết vừa, Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Bác đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết" ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội biết.
Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm…”. Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở. Bác nhẹ nhàng: “Bác không đến thăm cô thì còn thăm ai”. Rồi Bác vào nhà thăm hỏi khá lâu năm mẹ con chị Tín. Cảnh nghèo của gia đình phũ phàng hiện ra trước mắt Bác. Trên chiếc bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một gói kẹo. Đúng là "Ba mươi Tết mà không có Tết". Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc tết một số gia đình tại thôn Khe Cát, xã Minh Thành, Yên Hưng, Quảng Ninh ngày 1 tết Ất Tỵ 1965. Ảnh: TTXVN |
Tết Ất Tỵ 1965, Bác Hồ về thăm, chúc tết chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh, trên đường về, tranh thủ lúc dừng chân tại đồi thông Yên Lập, Bác đã ghé thăm, chúc tết một số gia đình người Hoa ở thôn Khe Cát, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, chia kẹo cho các cháu nhỏ.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, không kể ngày nay mà ngay cả những năm đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách, trong đó có người nghèo, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Từ năm 2000, ngày 17/10 đã được lấy là “Ngày vì người nghèo” và Tháng cao điểm vì người nghèo (từ 17/10 đến 18/11) được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hằng năm. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp những năm qua để chung tay vì người nghèo cả nước.
Đã thành thông lệ, ở Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, mỗi dịp tết lại sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động thiện nguyện chia sẻ khó khăn, đem tết ấm đến với người nghèo, nhất là đồng bào vùng xa, dân tộc thiểu số. Những chương trình như “Tết sum vầy”, “Tết vì người nghèo”, “Tết sẻ chia”… được không chỉ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện mà còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhóm từ thiện, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện tham gia. Có rất nhiều hình thức chia sẻ tết ấm với người nghèo. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân thì ủng hộ tiền chung tay xây nhà mới cho hộ nghèo; nhóm hay cá nhân khác thì ủng hộ áo ấm, tiền, đồ dùng sinh hoạt, vé tàu xe; người ít thì gói quà, cái bánh chưng… Đã có không ít câu chuyện xúc động có những gia đình ở khu phố có điều kiện cứ tết là gói bánh chưng rồi đem tặng cho các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.
Từ cách tết hơn 1 tháng, những hoạt động sẻ chia, mang tết ấm đến với người nghèo ở Quảng Ninh đã được các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ và nhiều tổ chức, nhóm, cá nhân lên kế hoạch triển khai. Ngày 2/12/2019, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Canh Tý 2020. Hội dự kiến sẽ vận động từ 12.000 suất quà trở lên, trị giá mỗi suất quà từ 500.000 đồng để trao tặng cho các gia đình nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh dịp tết. Ngay tại lễ phát động đã có 4 đơn vị, gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Ninh, Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) tham gia, ủng hộ trên 1,8 tỷ đồng. Cho đến ngày ông Táo lên trời, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà tết người nghèo đã và đang diễn ra trên khắp các địa phương trong tỉnh. Cùng với các phần quà theo chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, hàng chục ngàn phần quà tết đã và đang được chuyển đến các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tết sum vầy và tết cũng là để sẻ chia. Nhường cơm, sẻ áo là một đạo lý quý báu của người Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện có nhiều cách để chia sẻ, gửi tết ấm đến các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng cơ nhỡ. Chia sẻ tấm lòng, mang tết ấm đến với người nghèo ở một góc độ nào đó cũng chính là nhận hạnh phúc về mình.
Trần Minh
Ý kiến ()