20
531
/
1100174
Tạo những "vùng xanh" an toàn
longform
Tạo những "vùng xanh" an toàn

Đối phó với đại dịch toàn cầu, tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhiệm vụ này, Quảng Ninh đã củng cố năng lực tiêm chủng diện rộng ở mọi mặt: Nhân lực, trang thiết bị y tế, tập huấn, đào tạo…

Từ các nguồn vắc xin hợp pháp được Chính phủ Việt Nam nhập về cấp phép lưu hành, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chủ động tiếp cận với tất cả các nguồn vắc xin, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo có sớm nhất, nhiều nhất, tiêm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho người dân với lộ trình cụ thể, phù hợp. Tính đến ngày 24/8, toàn tỉnh tiếp nhận 326.950 liều vắc xin, gồm nhiều loại, như: AstraZeneca; Vero Cell; Pfizer; Moderna.

Quảng Ninh tiếp nhận xe tiêm chủng vắc xin Covid-19 lưu động từ Bộ Y tế.

Quảng Ninh tiếp nhận xe tiêm chủng vắc xin Covid-19 lưu động từ Bộ Y tế.

Để chuẩn bị chu đáo việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, sẵn sàng khi có nguồn vắc xin sẽ tiêm diện rộng được ngay và đảm bảo an toàn, hiệu quả, ngành Y tế đã chủ động tổng hợp rà soát đối tượng tiêm chủng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và của tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ngành Y tế để chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện tiêm chủng để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin được Sở Y tế xây dựng với phương án, quy trình tối ưu nhất.

Cùng với đó, Sở cũng tập trung rà soát, đánh giá hệ thống dây truyền lạnh, trang thiết bị để chuẩn bị cho việc tiếp nhận, bảo quản vắc xin phù hợp; rà soát đánh giá năng lực triển khai tiêm chủng, tổng hợp toàn bộ nhân lực triển khai tiêm chủng trên toàn tỉnh; hoàn thiện các quy trình triển khai tiêm chủng, rà soát các quy trình triển khai, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng; quản lý dữ liệu tiêm chủng, chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị triển khai áp dụng phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử, hướng dẫn các điểm tiêm chủng cập nhật danh sách và quản lý mũi tiêm trên phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm tiêm chủng…

Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Về hệ thống dây truyền lạnh, tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã rà soát thực trạng hiện có và tổng hợp, dự trù số lượng cần dùng để triển khai phục vụ tiêm phòng diện rộng. Các đơn vị đã mua thêm tủ lạnh, phích đựng vắc xin, nhiệt kế theo dõi tủ lạnh và bình tích lạnh. CCD Quảng Ninh cũng đã có phương án dự phòng, thuê thiết bị làm lạnh để bảo quản vắc xin an toàn.

Tập huấn cho đội tiêm và tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tập huấn cho đội tiêm và tổ cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nhằm chủ động về nguồn nhân lực tiêm phòng, toàn tỉnh tổ chức 4 lượt tập huấn về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 3.400 cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng bao gồm đào tạo lại và đào tạo mới; trong đó có 1.468 cán bộ làm công tác tiêm chủng thường xuyên trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã xây dựng phương án để điều phối nhân lực cho phù hợp với yêu cầu tiến độ và địa bàn triển khai; chỉ đạo các đơn vị y tế thường xuyên cập nhật kiến thức để khám sàng lọc và đưa ra những hướng dẫn, phác đồ phù hợp nhất, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các thuốc cấp cứu nhằm kịp thời xử trí tình huống phát sinh.

Mới đây, Quảng Ninh tiếp nhận xe tiêm chủng vắc xin Covid-19 lưu động từ Bộ Y tế, góp phần chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động tiêm chủng, đặc biệt là ở những nơi khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện khẳng định: Với nguồn nhân lực như trên khi huy động tổng thể các cơ sở tiêm chủng tham gia, năng lực tiêm chủng của toàn hệ thống hiện có, có thể tiêm trung bình được 10.000 mũi/ngày, 300.000 mũi tiêm/tháng; khi cần có thể tổng huy động lực lượng để nâng công suất tiêm. Đặc biệt, các đơn vị y tế vẫn tiếp tục triển khai tập huấn bổ sung nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ hoạt động tiêm chủng diện rộng.

Nhờ có sự chuẩn bị nhanh chóng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đến ngày 24/8, toàn tỉnh đã tiêm được 280.506 liều cho 172.720 người; trong đó, 64.934 người được tiêm 1 mũi; 107.786 người được tiêm đủ 2 mũi. Đến thời điểm này, việc tiêm vắc xin rất nhanh chóng, hiệu quả, an toàn, không để xảy ra bất kỳ tình huống đáng tiếc nào.

Hơn một năm đối mặt với đại dịch toàn cầu, “công thức” để đối mặt với Covid-19 được xác định nhanh chóng, đó là: 5K, truyền thông, công nghệ, vắc xin. Trong đó, vắc xin là chiến lược quan trọng mang tính dài hạn và quyết định.

Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã dành nguồn lực khoảng 500 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn lực xã hội hóa dành cho phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Từ nguồn lực đó, tỉnh đã tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác nhằm có được lượng vắc xin nhiều nhất và nhanh nhất. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo phải triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng đảm bảo nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất.

Trong những ngày triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, lãnh đạo huyện Bình Liêu thường xuyên đến các địa bàn chỉ đạo công tác tiêm chủng; thăm hỏi, động viên nhân dân.

Trong những ngày triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, lãnh đạo huyện Bình Liêu thường xuyên đến các địa bàn chỉ đạo công tác tiêm chủng; thăm hỏi, động viên nhân dân.

Trong những đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 vừa qua, hiệu quả của việc huy động tổng lực vào cuộc đã được thể hiện rõ. Như ở huyện Bình Liêu, ngay sau khi tỉnh chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân đi tiêm và chuẩn bị các điều kiện liên quan phục vụ chiến dịch tiêm chủng. Huyện đã thành lập 18 đội tiêm: Huy động nhân lực cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn, y tế học đường các trường học trên địa bàn và nguồn nhân lực do tỉnh hỗ trợ.

Tại các điểm tiêm phòng, huyện Bình Liêu đều bố trí đầy đủ các điều kiện như: Khu vực mái che, ghế ngồi, quạt mát, nước uống, bánh, sữa... để đón tiếp người dân đến tiêm; bàn đón tiếp, khám sàng lọc; phòng tiêm; phòng chờ sau tiêm. Mỗi điểm tiêm chủng bố trí 1 nhóm cấp cứu (gồm 3 người) và các phương tiện cấp cứu liên quan để đề phòng các trường hợp sốc phản vệ phải chuyển tuyến… Chính nhờ sự huy động tất cả các lực lượng tham gia nên các đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 của huyện đều đảm bảo an toàn, tỷ lệ người dân đi tiêm phòng đạt cao, người dân thấy yên tâm, phấn khởi.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP Hạ Long thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19, mũi 1, cho tiểu thương Chợ Hạ Long I.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP Hạ Long thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19, mũi 1, cho tiểu thương Chợ Hạ Long I.

Gần đây nhất, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, TP Hạ Long tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 6.000 người thuộc nhóm có nguy cơ cao, như: Tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại, lái xe taxi, xe ôm, người làm nghề bốc vác… Để hoàn thành nhiệm vụ này, TP Hạ Long đã huy động 70 nhân lực tham gia với 12 bàn tiêm chủng. Các quy trình tiêm chủng thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Với nhân lực được huy động, trung bình 1 ngày, thành phố đã tiêm được cho khoảng 1.200 người.

Toàn tỉnh phấn đấu hết năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ dân số đủ điều kiện tiêm đạt trên 90%, có nghĩa là sẽ phải tiêm hàng triệu mũi vắc xin cho nhân dân. Để chiến dịch tiêm đảm bảo an toàn, hiệu quả, ngành Y tế tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, rà soát, huy động nhân lực trong toàn ngành và cả sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân, y tế ngành Than, Công an, Quân đội. Tất cả đều được lên kịch bản, phân công nhiệm vụ để sẵn sàng lên đường, bổ sung cho chiến dịch tiêm chủng diện rộng.

Bên cạnh nguồn nhân lực y tế làm nòng cốt, các lực lượng Công an, Quân đội, Thanh niên, Phụ nữ… đều được huy động tham gia triển khai chiến dịch tiêm chủng để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân theo tinh thần vắc xin được cấp đến đâu, Quảng Ninh thực hiện tiêm chủng an toàn đến đó theo kế hoạch, không để lãng phí. Phương án tổ chức tiêm chủng trên diện rộng theo hướng tiêm gọn, dứt điểm lần lượt tại từng địa phương để đảm bảo khả năng hỗ trợ cao nhất của hệ thống an toàn tiêm chủng cũng đã được Sở Y tế thực hiện, sẵn sàng triển khai.

Để thiết lập những “vùng xanh an toàn”, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được tỉnh Quảng Ninh gấp rút đẩy mạnh với quan điểm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiêm chủng đã được hệ thống y tế cũng như các địa phương chú trọng thông qua khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và sử dụng phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”.

“Sổ sức khỏe điện tử” là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, vừa hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhanh, an toàn, thuận tiện, vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.

Khẳng định tính hiệu quả của công cụ này, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết: Thông qua nguồn cung dữ liệu này, ngành Y tế sẽ theo dõi được có bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng, từng liều vắc xin được chuyển đến các điểm tiêm, tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm… Đồng thời, sàng lọc để nắm bệnh nền của công dân, từ đó phân luồng trường hợp còn trẻ, còn khỏe có thể tiêm ở tuyến cơ sở. Trường hợp có nguy cơ hơn sẽ tiêm ở tuyến trên hoặc cử chuyên gia hồi sức tích cực xuống cơ sở để hỗ trợ.

Chị Hoàng Thu Mai, người dân phường Hồng Hải, TP Hạ Long, cho biết: Tôi đã đăng ký tiêm vắc xin qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, thấy rất thuận tiện và nhanh chóng. Giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc này giúp hạn chế đi lại, tiếp xúc với nhiều người, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như gia đình.

Theo thống kê của ngành Y tế Quảng Ninh, đã có trên 7.200 người dân trên địa bàn tỉnh đăng ký tiêm trên ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. Trên cơ sở đăng ký của người dân, doanh nghiệp, ngành Y tế đã chủ động xây dựng phương án, sắp xếp, điều phối, sàng lọc những đối tượng tiêm phù hợp để sẵn sàng tiêm chủng vắc xin trên diện rộng. Đồng thời, phân quyền cho y tế cơ sở phân tích, phân loại để sắp xếp lịch tiêm phù hợp, khoa học; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và an toàn.

Ngoài việc sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử” như một kênh thông tin hiệu quả, hệ thống dữ liệu dân cư cũng được các địa phương khai thác triệt để nhằm phục vụ tốt cho chiến dịch tiêm chủng. Tại TX Đông Triều, để cập nhật và hoàn thành dữ liệu tiêm chủng trong thời gian nhanh nhất, Phòng Y tế thị xã đã phối hợp với công an, chính quyền địa phương rà soát, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu sẵn có về dân cư để cập nhập vào hồ sơ dữ liệu tiêm chủng của toàn tỉnh. Bà Đào Thị Kim Dung, Trưởng phòng Y tế TX Đông Triều, khẳng định: Dữ liệu đã xây dựng xong, có vắc xin đến đâu chúng tôi sẽ thực hiện phân bổ để tiêm ngay đến đấy với tinh thần triển khai tiêm công khai, minh bạch và an toàn.

Nhân viên y tế TX Đông Triều hướng dẫn người dân đăng kí tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử.

Nhân viên y tế TX Đông Triều hướng dẫn người dân đăng kí tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử.

Còn tại TP Cẩm Phả, BCĐ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của thành phố đã dựa vào các thông tin sẵn có liên quan tới dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân, hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân để hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng vắc xin và phân loại đối tượng theo thứ tự ưu tiên, tình trạng sức khỏe. Tới nay, công việc này đã hoàn thành 100%.

Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2021 đạt tỷ lệ miễn dịch toàn dân với khoảng 75% người dân trong tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong điều kiện tiếp cận được nguồn vắc xin dồi dào, tỉnh sẽ triển khai tiêm quy mô lớn cho trên 1 triệu người và trên 2 triệu mũi tiêm. Trong cuộc chạy đua với thời gian này, cùng với việc tuân thủ các giải pháp phòng chống dịch, thực hiện “5K + truyền thông + công nghệ”, tiêm chủng vắc xin diện rộng sẽ là "chìa khóa" để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và phục hồi, phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Từ khi có dịch Covid-19, chưa khi nào người dân các huyện biên giới Quảng Ninh như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái lại yên tâm như hiện nay, bởi, họ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Có thể nói, các địa phương này đã tiến rất gần mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Người dân xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) đến khám sàng lọc tiêm mũi 2 đợt V năm 2021.

Người dân xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) đến khám sàng lọc tiêm mũi 2 đợt V năm 2021.

Ngay sau khi Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tiêm vắc xin ở Khu Công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà cho trên 200 công nhân trong KCN. Từ ngày 10-18/7, đã có trên 21.700 công nhân được tiêm vắc-xin mũi 1, đạt tỷ lệ 78% số công nhân tại 4 KCN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, KCN Hải Yên có gần 3.100/3.800 công nhân; KCN Cảng biển Hải Hà có gần 10.400/12.000 công nhân đã tiêm vắc xin mũi 1.

Cũng trong tháng 7 và 8/2021, người dân sinh sống ở khu vực biên giới từ 18 tuổi trở lên ở các huyện Hải Hà, Bình Liêu và TP Móng Cái được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đây là “món quà” đặc biệt giúp cho cư dân biên giới Quảng Ninh có được “lá chắn” vững chắc chống lại đại dịch.

Người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà ký cam kết đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin.

Người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà ký cam kết đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin.

Trong đợt tiêm thứ 5, TP Móng Cái tổ chức tiêm 30.914 liều vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng ưu tiên đang công tác, làm việc và sinh sống tại thành phố. Bao gồm: Người lao động làm việc ở KCN có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư; người dân sống tại 8 xã, phường biên giới; doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp du lịch đón, phục vụ khách Trung Quốc... Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, khẳng định: Mục tiêu cao nhất của tiêm vắc xin là tạo ra miễn dịch cộng đồng diện rộng trên địa bàn TP Móng Cái, đảm bảo hướng tới mục tiêu an toàn sức khỏe cộng đồng, sức khỏe nhân dân, đảm bảo quá trình tiêm vắc xin an toàn. Từ đó, đạt được "mục tiêu kép", vừa phát triển KTXH, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp.

Còn ở huyện Bình Liêu, một chiến dịch tiêm vắc xin trong thời gian ngắn, cho hàng nghìn người chưa từng có tiền lệ nhưng đã được huyện triển khai thành công. Huyện đã triển khai tiêm trên 15.000 mũi cho công dân từ 18 tuổi trở lên, đạt gần 50% tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 toàn dân trên địa bàn. Các trường hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 sức khỏe đều ổn định, không có trường hợp diễn biến sức khỏe xấu. Anh Phùn Dảu Lỷ, bản Sông Moóc A, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, cho biết: Tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đây là đại dịch nguy hiểm, nên vừa thực hiện 5K, vừa có vắc xin phòng bệnh, tôi thấy rất yên tâm.

Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 2, đợt V tại KCN Texhong.

Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 2, đợt V tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Ở huyện Hải Hà, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được triển khai sâu rộng, quyết liệt trên toàn địa bàn. Toàn bộ cán bộ, công nhân, lao động KCN Cảng biển Hải Hà, tiếp đó là toàn bộ cư dân khu vực biên giới các xã Quảng Sơn, Quảng Đức đã được tuyên truyền, vận động và tham gia tiêm phòng. Trong quá trình tiêm chủng, nhân viên y tế luôn thực hiện đúng các yêu cầu về đảm bảo an toàn tiêm chủng và công tác phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, các đợt tiêm do huyện triển khai đều đảm bảo an toàn.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin là vô cùng quan trọng. Cư dân biên giới Quảng Ninh, trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã được ưu tiên tiêm sớm, tiêm trước, tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Tạo miễn dịch cộng đồng cho đồng bào biên giới là giải pháp quan trọng, cũng chính là sự phòng dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.

Giữa bối cảnh cả nước đang nóng lên vì con số nhiễm Covid-19 gia tăng từng ngày, Quảng Ninh vẫn được ghi nhận là một “vùng xanh an toàn” trên bản đồ chống dịch của Việt Nam. Nỗ lực để giữ cho tỉnh luôn ở trong trạng thái bình thường trước nguy cơ đại dịch luôn diễn biến phức tạp được tỉnh đặt lên hàng đầu, trong đó, nâng tiến độ bao phủ của vắc xin được xem là giải pháp quan trọng.

Công tác chuẩn bị tại các điểm tiêm chủng của huyện Bình Liêu được thực hiện rất chu đáo, kỹ lưỡng.

Công tác chuẩn bị tại các điểm tiêm chủng của huyện Bình Liêu được thực hiện rất chu đáo, kỹ lưỡng.

Đặt mục tiêu đến cuối năm nay, khoảng 75% dân số Quảng Ninh được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, tại các cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã nhấn mạnh: Quyết tâm triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng an toàn, hiệu quả, phấn đấu tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Với ý nghĩa đó, từ sớm, Quảng Ninh chủ trương tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn ngân sách phù hợp để mua vắc xin tiêm miễn phí cho toàn dân. Tỉnh đã bố trí 500 tỷ đồng ngân sách cùng khoảng 100 tỷ đồng xã hội hóa để phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân. Đồng thời, tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác nhau, nhằm có được lượng vắc xin nhiều nhất và nhanh nhất; chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận và tiêm vắc xin cho người dân, trong đó mục tiêu đặt ra là số người tiêm càng nhiều càng tốt.

Huyện Tiên Yên đảm bảo tuân thủ khuyến cáo 5k trong quá trình tiêm chủng.

Huyện Tiên Yên đảm bảo tuân thủ khuyến cáo 5K trong quá trình tiêm chủng.

Nhấn mạnh rõ việc tiêm vắc xin không chỉ là quyền lợi, còn là trách nhiệm cao nhất của mỗi người trong thời dịch bệnh, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng. Cùng với đó, bố trí đủ nhân lực, tập huấn nâng cao năng lực tiêm chủng và xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ y tế để đảm bảo việc tiêm chủng được diễn ra an toàn, nhanh chóng.

Chị Nguyễn Thu Lan, tiểu thương kinh doanh tại Chợ Hồng Hà, TP Hạ Long cho biết: Được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm đồng nghĩa với sớm có “thẻ xanh” miễn dịch, những tiểu thương như chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm. Hi vọng tỉnh sẽ sớm hoàn thành việc tiêm chủng cho người dân để thiết lập được địa bàn an toàn.

Tỉnh cũng nêu cao tinh thần: Vắc xin có tới đâu, tiêm chủng tới đó, không bài trừ bất kỳ loại vắc xin được cấp phép nào. Do vậy, trong khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, tiêu cực với vắc xin xuất xứ Trung Quốc thì tại Quảng Ninh, hàng vạn liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm đã được người dân hưởng ứng.

Anh Hoàng Trọng Trung, phường Ka Long, TP Móng Cái chia sẻ: Tôi vừa hoàn thành xong mũi tiêm thứ 2 vắc xin Vero Cell, sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có phản ứng phụ đáng ngại. Ở đây người dân chúng tôi ai cũng tiêm loại vắc xin này. Giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, nguồn cung vắc xin cũng chưa được dồi dào thì việc được ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngừa đã là may mắn đối với cá nhân tôi cùng như nhiều người dân Quảng Ninh khác.

TP Móng Cái tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho người dân sinh sống trên địa bàn.

TP Móng Cái tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Song song với mục tiêu tiêm chủng nhanh chóng, nhiều người nhất có thể, tỉnh cũng kiên quyết duy trì nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch trong tiêm chủng. Không để vì đạt số lượng mà bỏ qua các khâu an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương rà soát, lập danh sách cụ thể từng nhóm đối tượng, đồng thời, xây dựng kế hoạch tiêm chủng theo từng địa bàn, phân luồng, thời gian, áp dụng công nghệ và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến tiêm chủng.

Nhờ tinh thần quyết tâm cao, kỷ luật chặt chẽ, Quảng Ninh tự hào khi đạt được những kết quả tích cực trong chiến dịch tiêm chủng và tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển KT-XH.

Tiếp tục coi vắc xin là một giải pháp cấp thiết như lá chắn cho vùng xanh an toàn, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hoàn thành tiến độ tiêm chủng diện rộng. Mặc dù hạn chế về nguồn vắc xin, nhưng quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tranh thủ nhất có thể lúc địa bàn tỉnh đang an toàn để triển khai nhanh việc tiêm chủng vắc xin cho toàn dân, tiêm càng được cho nhiều người càng tốt, bởi sẽ hạn chế được các ca lây nhiễm và chuyển bệnh nặng nếu như mắc Covid-19, từ đó góp phần giảm tải việc điều trị cho các bệnh viện.

Chỉ đạo sản xuất: Ngọc Lan

Thực hiện: Hoàng Quý - Nguyên Ngọc

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   
   
Quyết tâm giữ vững "Địa bàn xanh"
Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.   
   
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
Tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ…    
   
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu