20
531
/
1100173
Quyết tâm giữ vững "địa bàn xanh"
longform
Quyết tâm giữ vững "địa bàn xanh"

Quảng Ninh là địa phương có cả 2 tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có hệ thống giao thông đa dạng gồm cả đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Trong các đợt dịch Covid-19, các địa phương tiếp giáp Quảng Ninh như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… đều có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên đến nay, Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.

Đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại Trạm thu phí Cầu Bạch Đằng. Ảnh: Ánh Tuyết (CTV)

Trong các đợt dịch vừa qua, Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhanh chóng triển khai sớm, chủ động và kiên định các biện pháp chống dịch với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Đồng thời, truyền thông sâu rộng, tạo sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi khi phát sinh các ca bệnh trong cộng đồng và tại địa phương phụ cận, Quảng Ninh đã nhanh chóng kích hoạt các biện pháp cao nhất, truy vết đến từng khu, tổ, thôn, bản; tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, dừng các cuộc họp không cần thiết, cho học sinh nghỉ học… Song song với đó, tỉnh thực hiện xét nghiệm trong cộng đồng, nâng cao chất lượng điều trị cho những trường hợp F0, cách ly F1, F2, theo dõi y tế chặt chẽ các trường hợp liên quan. Từ 1/8-22/8/2021, Tổng số người về từ vùng dịch phải cách ly là 1.477 người, trong đó có 484 người từ Hà Nội, 12 người từ TP. Hồ Chí Minh và 1.162 người từ các địa phương khác.

Để ngăn chặn nguồn bệnh từ biên giới, Quảng Ninh đã lập các chốt chặn của Biên phòng, Công an và dân phòng các địa phương biên giới để kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép. Trong nội địa, các chốt kiểm soát tại các vùng trọng điểm cũng được thành lập nhằm hạn chế sự đi lại, tiếp xúc của người dân, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây và giảm thiểu lây lan rộng.

Tỉnh phát huy cao độ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trên 1.500 tổ tự quản cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Các tổ tự quản "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", hỗ trợ lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình di biến động của từng người, từng hộ trong khu dân cư.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, Quảng Ninh liên tục có các chỉ đạo về các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với người từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh và người Quảng Ninh ra khỏi tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, bám sát, nắm chắc địa bàn để có ứng phó kịp thời.

Lực lượng Y tế và Công an TP Cẩm Phả theo dõi sát sao các trường hợp cách ly tại nhà theo quy định phòng, chống dịch.

Từ ngày 20/6, tỉnh đã yêu cầu đối với người, phương tiện vào Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR xuống tối đa không quá 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu; có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc xin; bắt buộc sử dụng ứng dụng bluezone; kiểm soát dán tem niêm phong ca bin xe chở hàng hóa từ khi đi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch cửa ngõ vào tỉnh đến điểm giao nhận hàng hoá tại Quảng Ninh, chỉ dừng, đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu…

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai tổng kiểm tra hành chính trên địa bàn để xác định chính xác số người cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn, trong đó xác định được người từ địa phương khác đến Quảng Ninh, nhất là tại các công trường xây dựng, kí túc xá, lán thợ, nhà tập thể, nhà trọ cho người lao động, nhà trọ, chung cư, các cơ sở lưu trú; nắm chắc toàn bộ danh sách tất cả những người từ tỉnh ngoài về địa bàn kể từ 14 ngày qua mà chưa thực hiện khai báo y tế; vận động thực hiện xét nghiệm RT-PCR; những trường hợp trở về từ vùng dịch yêu cầu phải cách ly tập trung bắt buộc.

Đây đều là những yêu cầu rất cao trong phòng chống dịch nhưng phần lớn người dân Quảng Ninh đều tuân thủ và ủng hộ các chỉ đạo của tỉnh.

Đến thời điểm này, có thể coi kỷ luật và đồng tâm chính là "vắc xin" phòng, chống đại dịch Covid-19 của tỉnh. Đây cũng là mấu chốt để Quảng Ninh trở thành địa bàn an toàn trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, suốt gần 2 năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh đã dàn quân, ngày đêm căng mình, bám chốt tại những đường mòn, lối mở, trở thành những bức tường thành vững chắc trong việc chặn dịch nơi cửa ngõ biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra, chốt chặn tại các khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn xã Hải Sơn (TP Móng Cái).

Sông biên giới Ka Long, đoạn qua mốc 1364 +200 (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh) nơi mà Đồn biên phòng Bắc Sơn quản lý được mệnh danh là cái “rốn” về hoạt động nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đặc biệt là những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc diễn biến phức tạp, hàng nghìn người Việt Nam đã ồ ạt vượt biên về nước. Với quyết tâm không để đối tượng XNC trái phép trót lọt, các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Sơn đã lập 8 chốt chặn, 1 tổ cơ động thay phiên túc trực, tuần tra và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng giám sát các phương tiện, người từ nơi khác đến; tiến hành xây dựng hệ thống mạng lưới ngoại tuyến để nắm tất cả tình hình liên quan đến dịch, các đối tượng có thể XNC trái phép.

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Sơn tuần tra, bắt giữ đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

Còn tại địa bàn huyện Hải Hà, gần 2 năm nay, những người lính biên phòng Quảng Đức đã vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất và thiên tai khắc nghiệt để duy trì 10 chốt cố định và 2 tổ lưu động phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhiều chốt trạm nằm xa khu dân cư (cột mốc 1337, thôn Hang Vây, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà), có chốt nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển (cột mốc 1330, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà)... Địa bàn rộng, phức tạp, dân cư phân bố khá thưa thớt nên các cán bộ chiến sĩ của Đồn đã phải căng mình thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất.

Các chiến sĩ tại chốt Hang Vây (Đồn biên phòng Quảng Đức) phải ăn cơm tối từ khi mặt trời chưa tắt nắng để tránh côn trùng.

Việc duy trì có hiệu quả các hoạt động tuần tra, kiểm soát, quan sát, mật phục, chốt chặn, thực hiện “khép kín” biên giới, lực lượng biên phòng toàn tỉnh đã kịp thời ngăn ngừa các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ xử lý và tổ chức cách ly đối với người XNC trái phép qua biên giới 376 vụ với trên 2.000 đối tượng. Còn từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị đã bắt giữ 164 vụ với trên 350 đối tượng. Trong đó, đã đưa ra xét xử, khởi tố một số đối tượng chịu án hình sự về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.

Khẳng định về quyết tâm của lực lượng biên phòng, Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: Xác định biên giới, cửa khẩu là tuyến đầu tiên để phòng, chống dịch Covid-19, chính vì vậy, ngay từ những đầu có dịch, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động tối đa lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới. Từ cuối năm 2019 đến nay hầu như 100% cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vẫn bám trụ địa bàn, ngay cả những thời điểm dịch Covid-19 tạm lắng, trên toàn tuyến biên giới vẫn tiếp tục duy trì gần 100 tổ, chốt kiểm soát chống dịch, 7 tổ cơ động, đảm bảo quân số trực chốt tuần tra 24/24h. Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng yêu cầu Hải đội 2 biên phòng, các đồn biên phòng tuyến biển tăng cường tuần tra, kiểm soát trên vùng biển, đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng chi viện cho tuyến biên giới trên bộ khi có yêu cầu; thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất việc trực chiến của các đồn biên phòng, đảm bảo tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát cửa khẩu, lối mở, ngăn chặn XNC trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

CBCS Đồn Biên phòng Quảng Đức (huyện Hải Hà) tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Bằng nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ, BĐBP toàn tỉnh đã và đang khắc phục khó khăn, giữ vững khu vực biên giới luôn đảm bảo an ninh, an toàn, không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Minh chứng rõ nét cho hình ảnh, ở đâu có những người lính biên phòng, ở đó từng tấc đất biên cương Tổ quốc được vẹn toàn, đồng bào dân tộc nơi biên giới có cuộc sống bình yên.

Quảng Ninh sở hữu chiều dài đường biển lên đến 250km, chiều dài đường thủy nội địa 800km, 3 cảng biển quốc tế là Hòn Gai, Cẩm Phả, Vạn Gia và 131 bến cảng thủy nội địa là lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì đây cũng là thách thức lớn trước nguy cơ dịch xâm nhập qua các cảng, bến. Trước thực trạng đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý nhà nước và tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch ở mức cao nhất trên tuyến biển, đường thủy nội địa với quyết tâm ngăn chặn tối đa nguy cơ dịch xâm nhập, đóng góp vào thành quả giữ vững địa bàn an toàn của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cảng Điền Công (TP Uông Bí).

Với hệ thống cảng, bến trên địa bàn tỉnh, tính trung bình mỗi ngày có hàng trăm phương tiện thủy từ các tỉnh, thành phố đang có dịch, thậm chí là từ những nơi đang là ổ dịch lớn, phức tạp nhất ra vào cảng, bến làm hàng, với số lượng không nhỏ những người làm việc trên các phương tiện này cũng như làm việc trực tiếp tại các cảng, bến. Do vậy, đây chính là những nguy cơ, thách thức rất cao, trực tiếp có thể lây nhiễm mầm bệnh vào địa bàn tỉnh, từ đó ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả, thành công trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua. Vì vậy, để giữ vững địa bàn an toàn, nhiệm vụ quan trọng đặt ra hiện nay là bên cạnh việc kiểm soát tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến đường bộ, đường hàng không, thì cũng cần phải siết chặt hoạt động phòng, chống dịch trên tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là tại các cảng, bến luôn có hoạt động giao thương hàng hóa. Chỉ có vậy mới giữ được địa bàn an toàn từ tất cả các hướng, tạo điều kiện cho tỉnh duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”...

Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) phối hợp với BĐBP tỉnh tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ý thức được điều đó, ngay từ cuối tháng 7/2021, Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước và tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở mức cao nhất trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt là tại các cảng, bến, các phương tiện thủy đến, đi và hoạt động trên địa bàn tỉnh trên cơ sở vừa tạo điều kiện giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biển, đường thủy nội địa của tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch với quyết tâm ngăn chặn tối đa nguy cơ dịch xâm nhập, đóng góp vào thành quả giữ vững địa bàn an toàn của Quảng Ninh.

Các kiểm dịch viên Trung tâm y tế quốc tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thuyền viên trên tàu.

Cùng với BĐBP tỉnh, để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ hướng biển các ngành, địa phương liên quan cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy trình, quy định phòng, chống dịch đồng thời, rà soát, làm nghiêm việc thực hiện quy định thuyền viên đi tàu, thuyền từ các tỉnh, thành phố vào Quảng Ninh phải xét nghiệm SARS-CoV-2. Các doanh nghiệp, đơn vị quản lý cảng thực hiện nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên hàng tuần 20% cho công nhân, cán bộ, thuyền viên, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cho công nhân, cán bộ khối cảng biển. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng kiểm dịch viên y tế quốc tế đã sàng lọc trên 4.000 thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, phát hiện 13 ca mắc Covid-19, kịp thời ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Mới đây nhất, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ thuyền viên Tàu Hony World của Công ty Cổ phần Hàng hải S&A theo quy trình kiểm dịch y tế quốc tế, đã phát hiện 8 thuỷ thủ người Trung Quốc mắc Covid-19. Ngay lập tức những người này được tiếp nhận, đưa đi điều trị tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh. Những thuyền viên còn lại đều được hướng dẫn cách ly y tế tại phòng riêng trên tàu và tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Ngay từ các đợt chống dịch năm 2020, Quảng Ninh đã phát động phong trào toàn dân cùng tham gia chống dịch và thành lập ngay các tổ tự quản. Tại điện khẩn số 04/ĐK-UBND ngày 26/3/2020, UBND tỉnh yêu cầu toàn bộ các thôn, khu phố thành lập tổ tự quản, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Hiện toàn tỉnh đang có hơn 5.000 tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 ở khu dân cư.

Đầu tháng 2/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, các Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng của TX Đông Triều đã đến từng nhà để thực hiện truy vết, khai báo y tế cho các hộ dân.

Cuối tháng 1/2021, toàn tỉnh bắt đầu ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 5 địa phương, trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là TX Đông Triều do liên quan đến ổ dịch tại TP Chí Linh (Hải Dương). Ngay lập tức, 809 Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng với gần 2.300 thành viên của TX Đông Triều được kích hoạt trở lại. Các tổ tự quản với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người” đã giúp địa phương đã truy vết được gần 6.000 trường hợp F1 đến F5 chỉ sau 3 ngày phát hiện ca dương tính đầu tiên. Điều này đã giúp các lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai cách ly, đưa nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng… Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, TX Đông Triều đã chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

Hằng ngày, các thành viên trong Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng của thị xã đều đọc các bản tin về Covid-19 và tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các quy định của Bộ y tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết: Qua các đợt dịch cho thấy, vai trò của các Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng rất quan trọng. Với các thành viên gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn khu, dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ mặt trận….những người này gần gũi với dân nhất nên đã giúp địa phương nhanh chóng nắm bắt được đầy đủ thông tin để có thể ngăn chặn dịch từ xa, từ sớm.

Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 khu Trới 4 (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) rà soát, hướng dẫn người dân khai báo y tế.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, mỗi tổ tự quản phòng chống dịch ở khu dân cư gồm 2 - 3 người là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể đến từng tổ. Trong các đợt dịch, thành viên của các tổ đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại từng hộ gia đình, tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19. Đồng thời, yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Đưa thông tin lên nhóm zalo cũng là cách để Tổ tự quản khu Nam Sơn (phường Nam Khê, TP Uông Bí) cập nhật liên tục các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và thành phố.

Cùng với đó, các tổ tự quản cũng hỗ trợ chính quyền thực hiện việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn dân; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: Sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp... để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.

Các thành viên Tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 khu 1 (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) lên phương án rà soát, nắm tình hình, di biến động dân cư trên địa bàn.

Tâm sự với chúng tôi, ông Vũ Nho Khang, Bí thư, Khu trưởng khu Đường Ngang (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) cho biết: Hoạt động của tổ tự quản tại khu dân cư đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao và chấp hành nghiêm túc của người dân. Vì vậy, công việc có vất vả nhưng chúng tôi vẫn thấy rất vui vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé để góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan vào địa bàn.

Thực tế gần 2 năm qua cho thấy, trong những giải pháp quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của tỉnh chính là Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Đây đang được đánh giá là mô hình phù hợp tình hình thực tế, phát huy được sức mạnh của toàn dân, giúp tỉnh chủ động phòng ngừa dịch ngay cả khi dịch bệnh chưa xảy ra. Đúng như câu nói của Bác: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân".

Trước những diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để chủ động kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch, đặc biệt tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh họp trực tuyến với 13 địa phương cấp huyện để chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh luôn nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện đúng quan điểm “ngăn là chủ đạo, không để mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn bằng bất cứ con đường nào”. Thực hiện quan điểm này, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát để kịp thời ngăn chặn và phát hiện sớm nhất mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh từ các đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường biên giới, đường mòn, lối mở... Tuyệt đối không để bị động bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch trên địa bàn. Siết chặt công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh, hạn chế tối đa người từ vùng có dịch vào tỉnh và người Quảng Ninh đi tới các địa phương có dịch, trọng tâm là tại cầu Bạch Đằng, cầu Đá Bạc, cầu Vàng Chua (cổng tỉnh), trạm kiểm soát liên hợp Km15 bến tàu Dân Tiến...

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại đèo Hạ My (TP Hạ Long).

Mỗi khi tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã triển khai các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh. Theo quy định, mỗi chốt kiểm dịch sẽ gồm lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng, tình nguyện viên.... Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Quảng Ninh kê khai y tế, đo thân nhiệt; phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; các trường hợp nghi vấn, từ vùng dịch đề nghị quay lại hoặc được đưa đi cách ly.... Chỉ tính từ ngày 9 đến 20/8, tỉnh đã kiểm soát được hơn 104.500 phương tiện đi qua các chốt kiểm soát đường bộ; trên 2.400 phương tiện đường thủy. Số người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh bằng đường bộ là 116.200 lượt; đường thủy trên 3.000 lượt. Kiểm soát 7 chuyến bay từ nước ngoài nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, với tổng số gần 1.000 công dân Việt Nam, thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.

Rất nhiều giải pháp cụ thể được nghiêm túc thực hiện với sự giúp đỡ, ủng hộ của người dân.

Hiện nay, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi thái độ và hành vi của người dân trong phòng, chống dịch ngay tại cơ sở, thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, khai báo y tế toàn dân. Đồng thời, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly”. Cùng với đó, củng cố năng lực truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly và điều trị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Cô lập ca bệnh, khóa chặt ổ dịch, cắt đứt nguồn lây nhiễm ngay khi phát hiện, tuyệt đối không bỏ sót F1, F2, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quảng Ninh kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; kế thừa, phát huy các giải pháp hiệu quả, phù hợp, các thành quả, bài học kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua. Đặc biệt là kịp thời điều chỉnh phương pháp, cách làm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, sự đồng thuận xã hội, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và các nguồn lực.

Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương

Thực hiện: Bảo Bình - Hoài Anh - Hoàng Nga

Kỹ thuật đồ họa: Mạnh Hà


"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   
   
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
Tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ…    
   
Tạo những "vùng xanh" an toàn
Tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.   
   
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.