20
531
/
1100154
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
longform
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
My default image

“Giữ địa bàn an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân…” là mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra ngay khi bước vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ càng nặng nề hơn khi nước ta bùng phát đợt dịch thứ 4 với biến chủng mới, diễn biến nhanh, diện rộng và số ca mắc cao… Bám sát kịch bản phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ… nhằm tạo “lá chắn” vững chắc xây dựng Quảng Ninh an toàn.

My default image

Dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và làm gia tăng tử vong tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Đông Nam Á. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch trước sự lây lan của biến chủng Delta.

Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch lan ra cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.

Phường Hồng Gai, TP Hạ Long diễn tập phương án phòng, chống dịch với các tình huống ghi nhận F0 trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của biến chủng Delta, ngay cận kề là các địa phương gần Quảng Ninh cũng đã có các ca F0. Điều này đặt ra giả thiết thời gian tới bệnh nhân F0 có nguy cơ xuất hiện và có khả năng tăng trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc kiểm soát người về từ vùng dịch cũng như tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản chi tiết; nâng cao năng lực ứng phó, đáp ứng đúng, hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cụ thể với tình huống khi có 1.000, thậm chí 5.000 người mắc bệnh cần thu dung, chăm sóc và điều trị y tế cũng được lên phương án một cách kỹ lưỡng. Với mỗi tình huống đều tính toán, yêu cầu về cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ và bảo đảm. Là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế Quảng Ninh đã tham mưu tỉnh xây dựng phương án cơ sở vật chất trên cơ sở hiện có của địa phương, đó là: 24 đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện (10 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; 3 bệnh viện tuyến huyện và 11 Trung tâm y tế đa chức năng có giường bệnh).

UBND tỉnh hoàn thiện phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống có 1.000 ca mắc Covid-19.

Trong trường hợp nếu có 1.000 ca F0, Quảng Ninh sẽ chuyển Bệnh viện Đa khoa Hạ Long (bệnh viện tuyến huyện) thành Bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 số 3; nâng công suất hoạt động của bệnh viện số 1 (đặt tại Trung tâm Y tế Móng Cái) và số 2 (đặt tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) và Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí. Như vậy, sẽ có 4 cơ sở y tế chuyên thu dung, điều trị 1.000 F0, riêng bệnh viện số 2 được thiết kế để thu dung 94 bệnh nhân nặng, rất nặng, nguy kịch.

Đối với trường hợp có 5.000 ca F0, tỉnh sẽ bố trí cơ sở thu dung, cách ly, điều trị theo 3 vùng. Đó là: Miền Đông (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu); trung tâm (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ); miền Tây (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên). 18 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện cũng tham gia thực hiện công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Lúc này, tỉnh sẽ thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở vật chất của Bệnh viện Lão khoa (Bệnh viện số 4), Bệnh viện số 2 và số 1.

Các y, bác sĩ Bệnh viện số 2 điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Hiện tại, Quảng Ninh duy trì hoạt động của Bệnh viện số 2 để thu dung, điều trị toàn bộ bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh và có thể đáp ứng điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc Covid-19 (nếu có); 2 bệnh viện số 1 và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có thể đáp ứng điều trị cho 200 bệnh nhân nhẹ và trung bình (nếu có). Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh cũng bố trí các khoa phòng riêng biệt, cùng các trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quảng Ninh cũng là tỉnh sớm triển khai xét nghiệm Covid-19 và một trong số ít các địa phương đủ điều kiện và năng lực thực hiện các xét nghiệm khẳng định nCoV được Bộ Y tế công nhận từ đầu năm 2020. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8 đơn vị y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR. Công suất xét nghiệm sàng lọc 6.186 mẫu đơn/ngày (tương đương 61.860 mẫu gộp 10/ngày) và 550 mẫu khẳng định/ngày.

Cùng với đó, ngành Y tế Quảng Ninh cũng có 16 đội phản ứng nhanh, 26 đội vận chuyển cấp cứu ngoại viện và 10 tổ chuyên môn cao luôn sẵn sàng tâm thế, tham gia điều động hỗ trợ các tuyến khi có tình huống xấu xảy ra.

Với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân, cùng với củng cố cơ sở vật chất, Quảng Ninh luôn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng y tế “tinh nhuệ” tham gia công tác phòng, chống dịch. Nhiều “chiến sĩ áo trắng” đã xung phong vào tâm dịch, bất chấp khó khăn, hiểm nguy…, tất cả vì mục tiêu “an toàn sức khoẻ cho cộng đồng”.

Ngay những ngày đầu triển khai công tác phòng, chống dịch, bác sĩ Nguyễn Chí Viễn đã tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh). Theo bác sĩ Viễn, khi tham gia công việc này, đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh; xa gia đình, người thân,... Tuy nhiên, khi mang trên vai trọng trách, mỗi người luôn cố gắng hết mình để chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Bác sĩ Nguyễn Chí Viễn chia sẻ: “Để động viên bệnh nhân lạc quan chiến đấu với dịch bệnh, dù không thể hiện nhiều qua lời nói, nụ cười nhưng bằng sự tận tâm tận lực, chúng tôi tin mình đã phần nào góp thêm sức mạnh tinh thần để bệnh nhân chiến thắng bệnh tật, sớm đoàn tụ với gia đình…”.

Nhân viên y tế Bệnh viện số 2 lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho bệnh nhân.

Hiện nay, các ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhập cảnh. Do đó, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh bố trí luân phiên khoảng 15 y, bác sĩ của đơn vị tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện số 2. Họ tự nguyện ở lại bệnh viện, sẵn sàng phục vụ người bệnh, người cách ly nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ môi trường bệnh viện ra cộng đồng và ngược lại.

Trên tuyến đầu, nhân viên y tế của Quảng Ninh ngày đêm căng mình chống dịch. Đặc biệt hơn, Ngành Y tế sẵn sàng cử nhân lực mạnh chi viện cho các địa phương đã và đang là tâm dịch trong nước. Hiện nay, 70 thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đang tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12 (Chung cư lô R5, khu tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức). Cho đến nay, đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh đã điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó gần 500 bệnh nhân khỏi bệnh, 500 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12.

Các y, bác sỹ, nhân viên y tế cùng các trang thiết bị hiện đại lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID -19.

Tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19, trên 9.700 nhân lực thuộc ngành Y tế tỉnh đã vào cuộc (5.926 người do Sở Y tế quản lý; 2.146 người do UBND tỉnh, UBND các địa phương và ngành Than quản lý; 1.662 người thuộc nhân lực y tế tư nhân). Khi tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành Y tế cũng huy động sinh viên, cán bộ y tế đã nghỉ hưu tích cực tham gia…

Tham gia chống dịch, không chỉ năng lực chuyên môn tốt, mà tinh thần xung kích, trách nhiệm với cộng đồng là yếu tố quan trọng đối với mỗi cá nhân tham gia chống dịch. Những cán bộ, bác sĩ đã làm việc thâu đêm, tự cách ly tại nơi làm việc đến cả tháng và có những người tiếp tục xung phong kéo dài thời gian làm việc, cách ly tại đơn vị. Cảm động hơn, có bác sĩ trong thời gian thực nhiệm vụ đã không thể đón con chào đời, người thân ốm không thể về chăm sóc; thậm chí có cả trường hợp nữ điều dưỡng làm việc ở khu cách ly đặc biệt đã không thể về chịu tang cha… Hình ảnh, câu chuyện về những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng đã lay động hàng triệu trái tim…

Xúc động hình ảnh nữ điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hương (Bệnh viện số 2) nén nỗi đau mất cha, ở lại bệnh viện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Không chỉ mang tinh thần xung kích, tình nguyện sẵn sàng vào tâm dịch, mỗi cán bộ, nhân viên y tế còn thường xuyên được diễn tập các tình huống và đào tạo, tập huấn sàng lọc, phân luồng, cách ly, chẩn đoán, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm theo tất cả các cấp độ khi dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả trong tình huống dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Ở mỗi vị trí, họ phải nắm rõ các kỹ thuật như sử dụng máy thở; đặt nội khí quản thở máy; chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, cũng như chăm sóc bệnh nhân thở máy; quản lý chất thải, quy trình xử lý dụng cụ, đồ thải nhiễm Covid-19; quy trình tự mặc, tháo bỏ trang phục phòng hộ cá nhân trước và sau khi vào buồng cách ly bệnh nhân mắc Covid-19... Mỗi quy trình được thực hiện chính xác góp phần hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, bảo vệ sức khỏe người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng…

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của những “người lính áo trắng” chưa bao giờ ngừng lại. Họ đều xác định rằng đây là nhiệm vụ thiêng liêng của những người lính, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không quản ngại gian khổ, chấp nhận sự hy sinh, tiếp tục nâng cao năng lực để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ... vì sự sức khoẻ, bình yên của mỗi người dân.

Để chủ động phòng, chống dịch trong kịch bản 1.000, thậm chí 5.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để phân bổ trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả.

Trong thực hiện dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm và phòng, chống dịch bệnh, mạng lưới y tế cơ sở là nơi đầu tiên người dân tiếp cận. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục diễn biến hết phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, vai trò của y tế cơ sở càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thời điểm những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, dịch Covid 19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ, trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, là trung tâm du lịch và thương mại của cả nước, trở thành tiền đồn chống dịch của cả nước, phải đối mặt với những thách thức, áp lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Thời điểm đó, lực lượng y tế cơ sở đã nhanh chóng phối hợp vào cuộc “thần tốc” trong khám sàng lọc, tổ chức khai báo y tế toàn dân, với mục tiêu phát hiện sớm, cách ly và điều trị triệt để những trường hợp nghi mắc hoặc mắc Covid-19, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Năng lực vượt trội của mạng lưới y tế cơ sở tại Quảng Ninh trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu đã được cả nước đánh giá cao khi thời điểm dịch mới xuất hiện, chỉ hơn 1 tháng, toàn tỉnh đã hoàn thành kiểm tra, khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý y tế cho 97,31% người dân. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên, duy nhất trên toàn quốc làm được điều này vào thời điểm đó. Đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện khám sàng lọc, khai báo y tế đến lần thứ 4, với 99% dân số đã được cập nhật thông tin sức khỏe và được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử và lưu trên phần mềm. Đây là cơ sở vững chắc để địa phương thực hiện y tế toàn dân, tự phòng trong chống dịch.

Ngay khi dịch xuất hiện và lan rộng ở Trung Quốc, Quảng Ninh trở thành tiền đồn chống dịch của cả nước, phải đối mặt với những thách thức, áp lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch.

Các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã đều nắm chắc tình hình dịch tễ để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự phòng dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nhanh chóng sàng lọc, cách ly hàng nghìn trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả là đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên của tỉnh triển khai xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Realtime PCR. Các đơn vị y tế tuyến huyện cũng duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ở tuyến xã, nhân viên y tế theo dõi, giám sát các trường hợp F0 khỏi bệnh, F1 hoàn cách ly tập trung về tiếp tục cách ly tại nhà và các F2, F3 cách ly y tế tại nhà theo quy định. Hiện nay, đội ngũ y tế cơ sở tiếp tục tích cực vào cuộc trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong toàn dân.

Để đáp ứng nhu cầu y tế của người dân, Quảng Ninh xác định phải đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi. Đến thời điểm này, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh có 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 11 TTYT đa chức năng có giường bệnh tuyến huyện và 177 trạm y tế tuyến xã; 6 phòng khám đa khoa khu vực thuộc TTYT tuyến huyện.

Xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh.

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, ngành Y tế quan tâm triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở từ đầu tư hạ tầng, thiết bị y tế và nguồn nhân lực... Đầu năm 2021, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Nhà 4 tầng của TTYT huyện Ba Chẽ, công trình nhà 5 tầng của TTYT huyện Tiên Yên đáp ứng quy mô 200 giường bệnh; TTYT huyện Bình Liêu được tỉnh đầu tư gần 90 tỷ đồng xây dựng khu nhà 4 tầng cùng các trang thiết bị y tế mới, đồng bộ, hiện đại... Hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, TTYT đa chức năng có giường bệnh đều được nâng cấp, xây dựng khang trang, hiện đại phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại tuyến cơ sở.

Còn tại 177 trạm y tế tuyến xã, các địa phương cũng dành nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, chỉnh trang khuôn viên, tạo môi trường xanh - sạch -đẹp; mua sắm trang thiết bị y tế cho các trạm y tế, nhất là ở những địa bàn vùng khó khăn, như: Máy siêu âm, máy điện tim, bàn khám sản khoa, ghế khám răng... phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Ngoài ra, ngành Y tế tiếp tục có các chính sách thu hút nguồn nhân lực. Tại tuyến huyện đã có 700 bác sĩ, trong đó 600 bác sĩ làm công tác điều trị, 100 bác sĩ làm công tác dự phòng. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 84%. Các bệnh viện tuyến tỉnh còn luân phiên cử kíp cán bộ chuyên môn tốt để vừa hỗ trợ làm việc, vừa đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại cho cán bộ y tế huyện. Cùng với đó, các TTYT tuyến huyện cũng cử cán bộ về tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng một số kỹ thuật y tế mà đơn vị cần hỗ trợ, nhất là kiến thức phòng, chống dịch Covid-19…

Quảng Ninh sẵn sàng nhân lực, vật lực để ứng phó trước mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với xây dựng phương án điều trị cho hàng nghìn trường hợp mắc Covid-19 (nếu có) trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh cũng xây dựng phương án bố trí cách ly F1 tại nhà. Theo đó, mô hình đội phản ứng nhanh được thành lập ở cấp xã, trong đó cán bộ y tế cơ sở sẽ là thành viên của mỗi đội. Đội ngũ này được giao nhiệm vụ hằng ngày tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm định kỳ; tham gia truyền thông, hướng dẫn người dân biết cách tự theo dõi và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại nhà. Đồng thời, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, thống kê số hộ gia đình có đủ điều kiện cách ly tại nhà để có phương án bố trí phù hợp khi dịch bệnh xảy ra; bố trí phương án cung cấp thực phẩm, suất ăn, xử lý rác thải cùng các phương án vận chuyển công dân đến cơ sở khám chữa bệnh khi có triệu trứng bất thường...

Trong cuộc chiến chống giặc Covid-19, chuẩn bị tốt nguồn lực y tế cùng sự chung tay, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng…, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Châu Á được xác định là tâm dịch của thế giới dẫn đầu về ca mắc Covid-19, khả năng khống chế dịch lây lan ra các nước trong khu vực ngày càng khó khăn hơn. Quảng Ninh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối mở; là đầu mối của hoạt động giao thương hàng hóa, du lịch, dịch vụ trong nước, quốc tế…, tiềm ẩm nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn nếu không được kiểm soát tốt.

Với tinh thần “Chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả”, tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng linh hoạt, kịp thời chiến lược “3 trước, 4 tại chỗ”. Tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, nhất là nguồn lực “chính trị, tinh thần, niềm tin” của nhân dân, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của Vùng mỏ anh hùng theo phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, cộng đồng thôn, khu, bản là một pháo đài phòng, chống dịch bệnh”.

Cán bộ y tế phường Nam Khê, TP Uông Bí, phát tờ khai y tế và hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định.

Không chỉ bài bản từ kịch bản, phương án phòng, chống dịch với các cấp độ khác nhau, mà từ rất sớm, Quảng Ninh đã dành nguồn lực đầu tư, bố trí cơ sở vật chất, nâng cao năng lực y tế, chuẩn bị binh lực tinh nhuệ; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia phòng, chống dịch với quyết tâm chiến thắng cao nhất… Tỉnh đã rất khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng với phương án tiêm “cuốn chiếu”, tiêm khu vực nào xong khu vực đó để tạo vùng “xanh” an toàn theo đúng quy định. Đặc biệt hơn, đã xây dựng phương án sẵn sàng cơ chế điều hành, điều phối, xử lý khi có tình huống 1.000, 5.000 ca F0 trên địa bàn và xa hơn đã tính tới phương án có 10.000 ca F0…

Có thể khẳng định, đến thời điểm này Quảng Ninh đã sẵn sàng toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ứng phó với tình huống xấu nhất nếu xảy ra, nhất là về vật tư y tế tiêu hao, thuốc men, ô xy, máy thở đều đã được tính toán rất kỹ lưỡng… 

Bệnh viện số 2 tổ chức công bố cho 2 bệnh nhân mắc Covid-19 đủ điều kiện ra viện.

Cùng với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ngành Y tế, những người lính Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sỹ, lực lượng an ninh… trong tỉnh cũng huy động tổng lực quân số, trang thiết bị, kịp thời có mặt ở những nơi “nóng bỏng” “ăn lán, ngủ rừng” sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, sẵn sàng vì nhân dân quên mình. Đội ngũ cán bộ cơ sở cũng không quản ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” giám sát, điều tra dịch tễ và truy vết… Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ý chí, lòng quyết tâm của các “chiến sĩ” chưa bao giờ ngừng lại. Tất cả, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự đoàn kết, đồng lòng với mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân, kề vai sát cánh với đất nước trong cuộc chiến chống dịch bệnh để sớm mang lại cuộc sống bình yên cho nhân loại.

Các y bác sĩ Quảng Ninh hỗ trợ Bắc Giang chống dịch Covid-19.

Đến nay, đã 60 ngày qua, Quảng Ninh là 2/62 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Đây thực sự là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của Quảng Ninh.

Tuy vậy, hiện Quảng Ninh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng lớn khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó kiểm soát. “Không chủ quan, lơ là; quyết liệt, nghiêm túc triển khai thận trọng mọi phương án”, tinh thần "chống dịch như chống giặc" tiếp tục là phương châm tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc triển khai.

Bên cạnh kiên quyết, kiên trì với các giải pháp và bám sát kịch bản phòng, chống dịch của tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi, phát huy mạnh mẽ tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu dân cư gắn với tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng là một pháo đài chống dịch”, quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới.

Quảng Ninh đã trải qua 60 ngày không phát hiện Covid-19 trong cộng đồng.

Chỉ đạo sản xuất: Thùy Linh

Thực hiện: Nguyễn Huế - Nguyễn Hoa

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   
   
Quyết tâm giữ vững "Địa bàn xanh"
Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.   
   
Tạo những "vùng xanh" an toàn
Tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.   
   
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.