
Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 (diễn ra từ ngày 13/4 đến 15/5) vừa được Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phát động tại TP Hạ Long. Tháng hành động năm nay có chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Mục tiêu của Tháng hành động là nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời giảm thiểu ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe; phổ biến, quảng bá, khích lệ các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương trong tỉnh...
Tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã có 10 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, phối hợp trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự quan trọng hàng ngày được xã hội, người tiêu dùng chú ý, quan tâm. Đồng thời cũng là nỗi lo thường trực trong mỗi gia đình, bếp ăn tập thể. Điều này có nguyên cớ từ việc hiện nay có quá nhiều loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm có chứa các chất độc hại lưu thông trên thị trường. Vẫn còn không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm, trách nhiệm đối với người sử dụng, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi vậy, trong toàn quốc vẫn thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ ngộ độc thực phẩm trong các khu công nghiệp, trường học. Có những vụ gây chết người.
Ở Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm có khoảng từ 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm, với 7.000 đến 10.000 nạn nhân, trong đó có khoảng 100-200 ca tử vong. Nhà nước đã phải chi ra tới hàng tỷ đồng cho việc điều trị, xét nghiệm và điều tra tìm nguyên nhân. Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm thì nguyên nhân chính thường là do nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, hoá chất có trong thực phẩm. Đáng lo ngại nhất là hiện nay có rất nhiều loại hoá chất bảo vệ thực vật có mặt trên thị trường, bao gồm cả các loại cấm, trong khi việc sử dụng lại hết sức tuỳ tiện, không đúng cách là các nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.
Ở Quảng Ninh, mặc dù thời gian qua, không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng và công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng không phải vì thế mà chủ quan, lơ là với vấn đề an toàn thực phẩm. Bởi lẽ ngộ độc thực phẩm không phải là vấn nạn riêng ở Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phải được tăng cường, siết chặt hơn công tác quản lý từ khâu sản xuất đến lưu thông, sử dụng. Vì vậy, việc phát động và triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm phải được các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức và người dân nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả rõ nét, qua đó mang lại niềm tin, hạnh phúc, sự an toàn cho người sử dụng...
Thanh Tùng
Ý kiến ()