Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết
Chưa đầy một tháng nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. "Đến hẹn lại lên", trong dịp Tết, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo quy luật. Do đó, các lực lượng chức năng cần vào cuộc để bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịp Tết để tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 7/1, giá lợn hơi tại cả 3 khu vực: Miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam đang giữ mức tăng so với 2 tháng trước đây với mức tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất tại miền Bắc ghi nhận là 69.000 đồng/kg và thấp nhất là 67.000 đồng/kg. Tương tự, tại miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cao nhất cũng là 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 66.000 đồng/kg.
Như vậy, so với thời điểm cách đây khoảng gần 2 tháng, giá lợn hơi trên cả nước đã tăng khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại Quảng Ninh, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ tăng nhẹ vào dịp gần Tết. Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 của tỉnh tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước, quý IV năm 2024 tăng 2,35% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Quảng Ninh thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết số 247/NQ-HĐND, giá thủy sản tươi sống tăng vào dịp gần Tết, giá may mặc tăng do tiết trời trở lạnh, giá điện sinh hoạt tăng do cuối năm các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, giá xăng tăng theo giá xăng thế giới và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do nhu cầu xây dựng cuối năm…
Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đặc biệt là thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo ổn định giá cả, ngăn chặn các biến động giá gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trong dịp Tết. Cụ thể là theo dõi sát tình hình, kịp thời có giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào nhóm hàng hóa vật liệu xây dựng, hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng lớn, hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, khí đốt, xăng dầu), không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Cùng với đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, hàng giả nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Át Tỵ năm 2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển lưu thông và tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kết nối vùng miền để trao đổi tiềm năng, thế mạnh, trong đó chú trọng kết nối về logistics.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như của tỉnh, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 nhằm sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, theo thông lệ hàng năm thì giá cả hàng hóa sẽ tăng ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, không chỉ do nhu cầu thị trường, mà còn bị đẩy giá do tâm lý phục vụ Tết. Chính vì thế, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịp Tết để tăng giá. Đđòng thời, đảm bảo nguồn cung hàng hóa gắn với bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp này.
Ý kiến ()