
Tăng cường hợp tác y tế Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc)
Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Ngành Y tế Quảng Ninh với vai trò "cầu nối" quan trọng đã và đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác y tế với ngành Y tế Quảng Tây (Trung Quốc), góp phần vào sự phát triển chung của hai nước.

Thời gian qua, việc phối hợp trong công tác khám, chữa bệnh đã được ngành Y tế Quảng Ninh và Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường triển khai. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả chăm sóc cho người dân các địa phương. Cách đây hơn 10 năm, chị Lê Phước Hạnh (xã Hải Xuân, TP Móng Cái) bị tai nạn giao thông, được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Móng Cái (nay là Trung tâm Y tế TP Móng Cái) cấp cứu trong tình trạng không đo được mạch, huyết áp; chấn thương sọ não, khung chậu, bụng, gãy cả tứ chi. Qua sơ cứu ban đầu nhận thấy tình trạng của bệnh nhân rất nặng, đòi hỏi phải triển khai các kỹ thuật chuyên sâu. Ở thời điểm đó, nếu chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến trên sẽ không đảm bảo được thời gian cấp cứu kịp thời. Bệnh viện Đa khoa Móng Cái đã liên hệ và đưa bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện nhân dân TP Đông Hưng (Trung Quốc) để cấp cứu. Nhờ được cấp cứu kịp thời, trải qua 13 lần phẫu thuật, điều trị tại cả Trung Quốc và Việt Nam, chị đã ổn định sức khỏe. Chị Lê Phước Hạnh chia sẻ: “Tôi rất may mắn khi được các bác sĩ của Việt Nam và Trung Quốc cấp cứu kịp thời. Tôi thực sự biết ơn sự tận tình, đặc biệt là sự hỗ trợ của các bác sĩ đã giúp tôi giành lại sự sống".
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã duy trì hiệu quả tuyến cấp cứu y tế xuyên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc "Hành lang xanh sự sống 1369” được xây dựng từ năm 2016. Tuyến cấp cứu được lấy điểm mốc biên giới là Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân (1369) giữa TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc). Qua đó, có hơn 500 bệnh nhân nguy kịch được cứu chữa thành công từ tuyến cấp cứu này. Để tiếp tục thúc đẩy tiềm năng hợp tác tuyến cấp cứu “Hành lang xanh sự sống 1369”, hai bên đang tiếp tục nghiên cứu thí điểm thông quan cửa khẩu đối với xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân; mở rộng quy mô hoạt động; ứng dụng công nghệ thông tin và y học từ xa (telemedicine) để tối ưu hóa quy trình cấp cứu, rút ngắn thời gian cứu chữa và nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực y tế.
Liên quan đến kiểm soát dịch bệnh giữa 2 nước, kiểm dịch y tế quốc tế giữa tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây (Trung Quốc) đã có sự phối hợp hết sức tích cực. Các dịch bệnh truyền nhiễm giữa hai cửa khẩu được cập nhật đầy đủ; hỗ trợ trong nâng cao năng lực y tế dự phòng.

Cùng với phối hợp trong công tác khám, chữa bệnh, công tác đào tạo, tập huấn về y tế cũng được tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây tăng cường phối hợp. Riêng năm 2024, ngành Y tế Quảng Ninh đã tổ chức 6 đoàn và gần 40 bác sỹ sang học tập tại các bệnh viện của Quảng Tây. Gần đây nhất, trong tháng 10/2024, đoàn công tác của Sở Y tế đã tới thăm và tham dự các hoạt động giao lưu y tế theo đề nghị của Ủy ban Y tế, sức khỏe Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Chuyến thăm với mục đích chính là học tập kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu và mô hình tổ chức, vận hành của Trung tâm Điều phối mô tạng tại Bệnh viện số 2 (Đại học Y Quảng Tây). Đoàn công tác cũng tham dự những hoạt động, như: “Văn hoá sức khoẻ y học cổ truyền Quảng Tây (Trung Quốc) - Quảng Ninh (Việt Nam) năm 2024” và “Lễ khởi động chương trình hỗ trợ phẫu thuật đục thuỷ tinh thể Quảng Tây (Trung Quốc) - Quảng Ninh (Việt Nam)”…
Đặc biệt, với mục tiêu ghép tạng ngay tại tuyến tỉnh vào năm 2025, Sở Y tế Quảng Ninh đã cử nhiều lượt bác sĩ, điều dưỡng tham gia đào tạo về hiến và ghép tạng tại Bệnh viện số 2 (Đại học Y Quảng Tây). Bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Văn Dũng, Phó trưởng Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Tham gia khóa đào tạo đã giúp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm và cập nhật tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực ghép tạng, hiến tạng. Tôi đã tham dự các hội nghị khoa học, cập nhật kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng, quản lý sau ghép tạng, các tiến bộ trong chia gan để ghép, ứng dụng trong ghép tim, ghép phổi; đào tạo công tác điều phối mô tạng. Đặc biệt, tôi đã được hướng dẫn thực hành tại Khoa Ghép tạng của Trung tâm Điều phối mô tạng (Bệnh viện số 2, Đại học Y Quảng Tây) với hoạt động đi buồng bệnh, hướng dẫn điều trị các vấn đề sau ghép tạng; tham gia vào quy trình vận chuyển tạng, rửa thận và phụ mổ 2 ca ghép thận.
Trong Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025 giữa bí thư các tỉnh/khu và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 16 giữa 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tại Quảng Ninh vào cuối tháng 2/2025, dự kiến sẽ có rất nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận, thống nhất và đi đến ký kết nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế. Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết: Sở đang thiết lập và trình UBND tỉnh xin ý kiến Bộ GTVT hoàn thiện và xin cấp phép luồng xanh cấp cứu. Tức là xe cấp cứu của Việt Nam sẽ sang thẳng Trung Quốc và ngược lại, để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, có kế hoạch đẩy mạnh đưa nhân lực y tế Quảng Ninh sang Trung Quốc để học tập nâng cao trình độ, nhất là về lĩnh vực hiến, ghép tạng, tế bào gốc, gen và các vấn đề chuyên khoa sâu, thần kinh, ung bướu, tim mạch, y học cổ truyền… Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin và y học từ xa (telemedicine) để tối ưu hóa quy trình cấp cứu, rút ngắn thời gian cứu chữa và nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, thúc đẩy giao lưu các lĩnh vực khác như ưu tiên giúp đỡ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong điều trị Thalassemia; nghiên cứu, học hỏi công nghệ gene, tế bào gốc; xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu các lĩnh vực khác như ung thư, phẫu thuật thần kinh cột sống, chấn thương chỉnh hình…
Với những nội dung thỏa thuận hợp tác trên, trong thời gian tới, rất nhiều hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm sẽ được diễn ra. Đây không chỉ là cơ hội dành cho các chuyên gia, cán bộ nhân viên ngành Y tế hai nước, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Ý kiến ()