Tài nguyên quý cho du lịch
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử. Trải qua hàng ngàn năm cư trú cùng với đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chinh phục tự nhiên trên vùng đất này, cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp nên một kho di sản văn hoá vật thể, phi vật thể vô giá để đến hôm nay, chúng là nguồn tài nguyên quý cho du lịch Quảng Ninh phát triển.
Hơn 20 năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Năm 2004, Nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên) là nhà văn hoá cấp xã được đầu tư quy mô nhất tỉnh lúc bấy giờ với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Cùng với nhà văn hoá, Ngày hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Sán Chỉ huyện Tiên Yên lần thứ nhất được tổ chức. Lần đầu tiên, đồng bào Sán Chỉ xã Đại Dực, Đại Thành (nay là xã Đại Dực) được thỏa sức thể hiện trình diễn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như hát soóng cọ, đánh cầu chinh, đánh quay, đi cà kheo, thi gói bánh, thổi pí lè (kèn lá dứa), thực hành lễ cầu mùa... Đây là Ngày hội Văn hoá - Thể thao của một dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn tỉnh được tổ chức và từ thành công đó đã mở đường để huyện Tiên Yên và các địa phương khác trong tỉnh tổ chức và duy trì tổ chức các ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu cho đến hôm nay.
Năm 2007, Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu) và Lễ hội Xuống đồng, xã Phong Cốc (TX Quảng Yên) cũng đã được phục dựng lại sau nửa thế kỷ mai một. Tất cả những nét gốc có giá trị, ý nghĩa của lễ hội đã được khôi phục tối đa. Cả hai lễ hội tới nay đã được đều đặn tổ chức, trở thành một trong các sự kiện văn hoá tiêu biểu của hai địa phương. Trong đó, Lễ hội Xuống đồng vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Đáng chú ý, cùng đợt đưa vào danh mục này còn có Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái và Lễ hội đình Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, góp phần để tới nay Quảng Ninh có 12/362 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Những năm qua, cùng với khai thác các danh lam thắng cảnh, du lịch Quảng Ninh đã chú trọng khai thác các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể và hướng đi này đã chứng minh là đúng đắn. Hầu hết các sự kiện văn hóa, du lịch đều đã khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể. Lễ hội Carnaval Hạ Long đã giới thiệu các lễ hội đình Trà Cổ, lễ cầu mùa, lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long). Hội chợ thương mại du lịch OCOP cấp tỉnh hằng năm thông qua các sản vật đều có giới thiệu văn hoá ẩm thực, tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội truyền thống Vân Đồn, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số đều đã được xây dựng trở thành sản phẩm du lịch, được quảng bá rộng rãi để du khách trong và ngoài nước biết đến.
Với các địa phương, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể thu hút khách du lịch đã và đang ngày một được quan tâm, tổ chức nền nếp, hấp dẫn hơn. Tiêu biểu như các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ... là những nơi giàu bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số. Điều ý nghĩa là thông qua việc khai thác, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ các cấp chính quyền mà chính người dân đã nhận thức hơn về giá trị của các nét văn hóa mà mình đang nắm giữ để từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị của chúng hơn nữa.
Ý kiến ()