
Tai nạn giao thông tăng, Chủ tịch UBND 6 địa phương bị phê bình
Ngày 30/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2018, tỉnh Quảng Ninh đã bị Chính phủ nhắc nhở vì là địa phương để tăng tai nạn giao thông.
Cụ thể, quý I/2018 (so với cùng kỳ năm 2017), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông (tăng 8 vụ, 33%), làm chết 24 người (tăng 10 người, 71%), bị thương 19 người (giảm 10 người, 34%). Trong đó các địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao là: Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà và Hải Hà.
Quảng Ninh là một trong 27 địa phương của cả nước có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó Quảng Ninh còn là một trong 14 tỉnh tăng trên 40% là: Cà Mau, Tây Ninh, Cao Bằng, Hậu Giang, Hà Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Long An, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Trị, Gia Lai. Số người chết do tai nạn giao thông của cả nước tăng 35 người, thì riêng Quảng Ninh đã tăng 10 người.
Với tình hình trên, tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và an toàn vệ sinh lao động của tỉnh ngày 2/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND 6 địa phương để tai nạn giao thông tăng là: Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà và Hải Hà.
Phân tích nguyên nhân tăng tai nạn giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho rằng, chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan. Đó là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan từ tỉnh đến các địa phương phát huy chưa cao, chỉ đạo văn bản nhiều mà chưa có giải pháp ngay, cụ thể, hiệu quả những bất cập để bảo đảm an toàn giao thông. Đó là vẫn còn có người coi thường việc chấp hành luật lệ giao thông khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền còn chung chung, hình thức, hiệu quả chưa cao. Còn có nhà thầu thực hiện các dự án đô thị, chỉnh trang đô thị, vận tải đất đá chưa chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong quý II toàn tỉnh phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để giảm được cả ba tiêu chí tai nạn giao thông: Số vụ, số người chết, số người bị thương.
Về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh thống kê đầy đủ các “điểm đen” về an toàn giao thông và có giải pháp xử lý ngay. Tỉnh sẵn sàng quy định hạn chế tốc độ để bảo đảm an toàn giao thông tại một số đoạn đường. Các địa phương có quốc lộ đi qua không được để xảy ra lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Các ngã tư, điểm giao cắt cần có các đèn báo hiệu, gờ giảm tốc độ để cảnh báo đối với các phương tiện. Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm túc xe quá khổ, quá tải chạy trên các tuyến đường, ngay cả những cung đường có xe chở than của các đơn vị ngành Than.
Về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, nhất là TP Hạ Long cần quan tâm đến các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, cần kiểm soát chặt chẽ các tàu lưu trú, xử lý nghiêm đối với các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, theo các nội dung tại Thông báo số 31/TB-UBND của UBND tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ các tàu vận chuyển khách ra vào các đảo thuộc huyện Cô Tô, Vân Đồn, Hải Hà và Móng Cái; thống kê các tàu, xuồng làm dịch vụ đưa đón khách ra các đảo để đưa vào quản lý, kiểm soát. Thực hiện tốt công tác sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các tổ chức đoàn thể đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành luật lệ giao thông là hiển nhiên, là hành vi văn hóa không thể làm khác. Đồng thời Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực sự trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.
Nguyên Đan
Ý kiến ()