Sức nặng của ngón tay bấm nút
Quyền ấy lớn lắm. "Quyền hành và lực lượng đều nơi dân", đây là điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết và quan trọng nhất, là học để thật sự thấm nhuần điểm cốt lõi đó, thật tâm thực hành quyền của dân trong việc bầu ra các chức danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Rõ ràng, nơi "cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất" của đất nước, quyền làm chủ ấy thể hiện một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất. Sau quyền dân chủ trực tiếp được thực hiện trong chọn lọc để bầu ra người đại diện cho mình, thì quyền dân chủ đại diện được thực thi. Thực thi quyền dân chủ đại diện như thế nào để biểu tỏ sự trung thành với lợi ích và ý nguyện của cử tri là một thử thách lớn, không chỉ đối với người đại diện cho dân, mà còn là sự khảo nghiệm về chất lượng của việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của cử tri trước đó.
Mỗi nút bấm ấy, không phân biệt già trẻ, gái trai, vùng miền, trí thức hay người cày ruộng, người từng trải hay người ít kinh nghiệm, người am hiểu sâu về luật pháp hay người chưa được trang bị gì về lĩnh vực này… mà theo cơ cấu, đều có sức nặng như nhau. Giá trị kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của mỗi một đại biểu Quốc hội chuyển vào ngón tay bấm nút cũng đều "bình quân" như nhau trên bảng hiện số. Cho dù ngón tay bấm nút ấy có sức nặng của nỗi ưu tư, đắn đo về vận nước, hay vô tình vô cảm, thì cũng đều cộng vào hay bớt đi một phiếu biểu quyết cho một dự luật, một pháp lệnh, một bầu chọn hay miễn nhiệm một chức danh Nhà nước.
Ngoài việc bấm nút, còn chuyện thảo luận, chất vấn, tranh luận, tiếp xúc cử tri mà bất cứ đại biểu nào, chuyên trách hay không, đều phải tự thể hiện mình. Dấu ấn cá nhân in đậm trên những công việc không hề dễ dàng này. Hoạt động lập pháp của Quốc hội kỳ này rất nặng, công việc này đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn là nhiệt tình.
Trí tuệ là đòi hỏi hàng đầu của người hoạt động trong một tổ chức mà lập pháp là sứ mệnh chủ chốt. Chỉ xin gợi ra đây một trong vô vàn những khó khăn mà người đại biểu Quốc hội sẽ gặp phải và phải vượt qua: Điều 84 của Hiến pháp ghi rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, trong đó có mục 4: "Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế". Quyền hạn rất lớn, nhiệm vụ hết sức khó khăn vì quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách có liên quan trực tiếp đến toàn bộ hoạt động của ngành hành pháp. Việc quyết định, phê chuẩn ấy được hiện rõ trên màn hiện số sẽ tác động đến sự thành bại của một đường lối, một chính sách kinh tế, và có ảnh hưởng tức thời đến đời sống của mỗi người dân. Cho nên, ngón tay bấm nút thể hiện được ý thức đầy đủ về gánh nặng trách nhiệm đối với đất nước, phải được chỉ đạo bởi cái đầu có đủ kiến thức về tài chính, kinh tế cùng với trái tim đập cùng nhịp với mạch sống của xã hội, tâm tư, ý nguyện của người dân. Phải chăng vì thế mà có ứng cử viên đại biểu Quốc hội, sau khi cân nhắc về gánh nặng trách nhiệm và điều kiện để đảm đương gánh nặng đó, đã xin rút đơn. Họ dám thực hiện câu châm ngôn "biết điều mình không biết, chính là biết".
Lập pháp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội, sự tinh thông về pháp luật là một đòi hỏi bức xúc, nhất là khi mà "hoạt động lập pháp phải hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi…" được xếp vào nhiệm vụ thứ nhất của Quốc hội khóa XII thì đòi hỏi bức xúc đó càng trở nên cấp bách. Đấy là chưa tính đến việc, với nhiệm kỳ này, tuy đại biểu chuyên trách có tăng lên, song đại biểu kiêm nhiệm vẫn còn chiếm một tỷ lệ lớn. Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội chưa cao sẽ là một khó khăn lớn cho việc đảm bảo thực quyền của Quốc hội.
Cũng chính vì vậy, nhiệm kỳ Quốc hội kỳ này phải đảm đương không chỉ những công việc mà nhiệm kỳ trước vẫn làm, mà phải thảo luận và đưa ra được những quy định mới nhằm hoàn thiện tính chất, chức năng và cấu trúc của Quốc hội, thể hiện rõ được triết lý của nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Làm sao có đủ thông tin để các đại biểu Quốc hội thực thi chức năng cực kỳ quan trọng là quyết định cơ cấu của Chính phủ và các nhân sự chủ chốt. Ở đây, vai trò của hệ thống truyền thông đại chúng có tác dụng trực tiếp. Như phát biểu của đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: "So với mười năm trước, bây giờ, sự vào cuộc của truyền thông đã khiến cử tri thông minh hơn". Chẳng phải chỉ cử tri, mà đại biểu Quốc hội càng phải biết sử dụng những thành tựu của mạng lưới truyền thông đại chúng, trước hết là báo chí, để cùng với nhiều nguồn khác, có thêm thông tin để thực hiện một sứ mệnh nặng nề: đại diện cho dân trao quyền hành pháp, một quyền lực có tác động trực tiếp đến vận mệnh đất nước và cuộc sống của nhân dân. Nhân dân trao quyền mà không bị tiếm quyền, sứ mệnh trọng đại đó được thực hiện qua chất vấn, thảo luận và quyết định về bộ máy Chính phủ với những chức danh cụ thể, con người cụ thể.
Một Quốc hội mạnh phải thể hiện trước tiên bởi việc bầu ra một Chính phủ mạnh. Chính phủ mạnh thể hiện trong cơ cấu tổ chức và trong trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất của mỗi một thành viên. Chẳng phải chỉ là chuyện "sai một ly, đi một dặm", mà là gánh nặng của trách nhiệm và lương tâm người đại biểu không cho phép họ quyền sai lầm, ba phải và dựa dẫm khi đưa ngón tay bấm nút biểu quyết.
Ngón tay nhẹ nhàng bấm nút ấy, nếu ý thức đầy đủ, sẽ nặng tựa thái sơn.
Ý kiến ()