Bởi vì, tính cách người thợ mỏ Quảng Ninh đã hình thành trong những năm tháng sục sôi tinh thần cách mạng, đấu tranh giải phóng Vùng Mỏ ngày ấy. Vùng Mỏ - cái nôi đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Nghề mỏ là nghề nặng nhọc, đòi hỏi người thợ phải có tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” rất cao và cũng chính tinh thần ấy đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ năm 1936 ở Vùng than Đông Bắc này. Những người thợ mỏ đã đồng loạt đứng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm, không cúp phạt...
Thật may mắn, tôi đã có cơ duyên gặp được ông Phạm Doãn, một trong những công nhân tham gia đấu tranh trong cao trào cách mạng ở Vùng mỏ năm ấy. Nhà ông nép dưới chân núi Bài Thơ, vẫn là nền đất cũ khu xóm thợ năm xưa nhưng không còn lụp xụp nữa mà đã được cao tầng hóa như biết bao ngôi nhà nơi trung tâm TP Hạ Long này. 98 tuổi rồi, mắt đã mờ, tai đã lãng, vậy nhưng ký ức của ông vẫn còn minh mẫn, rõ ràng. Ký ức về cuộc tổng bãi công của người thợ cơ khí Hòn Gai năm ấy trong ông là một dòng chảy sôi động, bừng bừng khí thế đủ để cuốn tất cả công nhân và người dân yêu nước ở Vùng than hướng về các trung tâm đô thị - nơi diễn ra biểu tình, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và các yêu sách có lợi khác cho người công nhân mỏ...
Người công nhân Khu mỏ Quảng Ninh gốc gác xưa kia vốn đa phần chính là những nông dân ở các vùng, miền bị bần cùng hóa. Họ về đây mang theo những nét tính cách, văn hóa riêng của các vùng, miền nhưng rồi công việc, vùng đất mới tự nhiên khiến họ phải thay đổi, thích nghi... Họ đã lập nên những “phố thợ chênh vênh lưng núi”, họ ngày ngày ca kíp với nắng gió khắc nghiệt, chung vai sát cánh dưới những đường lò hay trên những tầng than... tất cả đã tạo nên tính cách mộc mạc nhưng chân thành, phóng khoáng của người thợ mỏ. Và tình yêu với nghề, với Vùng than theo suốt cuộc đời...
Công việc làm báo giúp tôi được đi, được gặp gỡ nhiều người, đặc biệt là quãng thời gian gắn bó với các văn nghệ sĩ Quảng Ninh càng khiến tôi thấm thía hơn điều ấy. Ông Hoàng Tuấn Dương có một tuổi thơ nhọc nhằn, bố mất trong trận đói năm 1945, 8 tuổi ông đã theo mẹ ra Vùng mỏ Cẩm Phả làm đủ nghề để kiếm sống. 16, 17 tuổi, ông vào mỏ Lộ Trí (nay là Công ty Than Thống Nhất - PV) và rồi gắn bó với ngành Than suốt cho đến khi nghỉ hưu là Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh. Lăn lộn, nhiệt huyết với công việc, ông có nhiều cơ hội để rẽ ngang, để phát triển hơn nhưng điều đi đâu ông cũng một mực xin ở lại với ngành Than. Họa sĩ Nguyễn Hoàng sinh ra, lớn lên và tới giờ vẫn sống đạm bạc trên ngọn đồi cao của phố mỏ Hà Lầm, không chỉ nhớ những thăng trầm của Vùng mỏ mà ký ức ấy còn xuyên suốt trong nhiều bức tranh của ông và biết bao văn nghệ sĩ khác nữa...
Vùng than những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ là trọng điểm sản xuất của cả nước, để chi viện cho miền Nam cả sức người, sức của, cũng là trọng điểm những cuộc bắn phá điên cuồng của giặc. Vượt qua những năm tháng khốc liệt mà hào hùng ấy, hình ảnh người thợ mỏ, ngành Than đã đi vào thơ ca, nhạc, họa... với những biểu tượng đẹp đẽ. Đề tài về ngành Than, về người công nhân mỏ một thời cũng là đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của văn nghệ sĩ trong cả nước. Từ ngành Than cũng đã nuôi dưỡng, trưởng thành rất nhiều văn nghệ sĩ tài năng, như nhà văn của thợ mỏ Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, các họa sĩ Nguyễn Hoàng, Ngô Phương Cúc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha...
Kỷ luật và đồng tâm giờ đây vẫn là niềm tự hào của người công nhân Vùng mỏ, góp phần làm nên tính cách con người Quảng Ninh hôm nay.
Nhưng không chỉ có than, Quảng Ninh còn có “rừng vàng, biển bạc” với sự sinh động trong bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và những con người sinh sống gắn với nghề biển. Vùng biển Quảng Ninh dài, thơ mộng, kho tàng ca dao, dân ca vùng biển từ hát đúm, hát giao duyên trên biển... vẫn là một kho tàng nghệ thuật quý giá, được nhiều nghệ nhân lưu truyền, phổ biến đến ngày nay. Ai bảo người vùng biển “ăn sóng nói gió” cũng chẳng sai, nhưng có nghe những câu hò, vè, nghe những câu hát giao duyên mới thấy sự đằm thắm, trữ tình với nét tinh tế thẳm sâu trong tâm hồn.
Quảng Ninh - một bên là than, bên kia là biển... Có mâu thuẫn không giữa nhọc nhằn than đen với vẻ biếc xanh, dịu dàng, thơ mộng của biển? Có cách biệt không giữa một bên vịnh êm đềm đá - nước - mây trời với sự ồn ào, nắng gió, bụi bặm những tầng than? Có gì sai không những gương mặt người thợ đêm, ngày vào lò với những giọt mồ hôi lấm tấm than, cánh tay vẫn hằn in đôi vết sẹo xanh đen không phai nổi màu than và những chiều dạo chơi trên phố biển cùng ai...?
Thiếu nữ trong Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử năm 2018 trên vùng đất Uông Bí, thành phố trẻ đang phát triển du lịch đa sắc màu của Quảng Ninh. |
Không có gì mâu thuẫn, không có gì sai cả mà hài hòa, bù đắp cho nhau. Những vùng biển trù phú của Quảng Ninh từng nuôi sống bao đời người, là nơi nghỉ dưỡng cho bao lớp thế hệ công nhân mỏ nay cũng là điểm hẹn lý tưởng cho du khách năm châu. Ngành Than tồn tại, phát triển theo hướng bền vững hơn. Người thợ mỏ nay cũng được chăm sóc chu đáo hơn rất nhiều, họ sạch sẽ, tươm tất trước khi vào lò và cũng như thế khi trở về bên người thân, gia đình... Và du lịch, ngành kinh tế xanh cũng mở rộng, dần đi vào chiều sâu. “Nụ cười Hạ Long” nay đã và đang trở thành tiêu chí mà mỗi người, mỗi địa phương của Quảng Ninh đều hướng tới. Xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh gắn với vùng đất du lịch là chủ trương lớn của tỉnh và đang từng bước được hiện thực hóa. Hạ Long giờ đây đang hướng tới tiêu chí thành phố du lịch thông minh, thành phố mỏ Cẩm Phả đang xây dựng dự án thành phố hoa hồng, thị xã than - điện Uông Bí xưa, thành phố trẻ hôm nay với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thành phố du lịch đa sắc màu...
Tính cách đặc trưng của người Quảng Ninh là gì, văn hóa riêng của Quảng Ninh ra sao? Đó là nỗi trăn trở mà để giải đáp cần nhiều hơn những kiến giải, luận bàn, nghiên cứu thêm nhưng thiết nghĩ, dù đó có là gì cũng gắn với sự đa sắc màu của một dải đất được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, gắn với nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của bao thế hệ người Quảng Ninh xưa - nay. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, văn hóa Quảng Ninh vẫn chảy trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc và luôn tìm kiếm, định hình những nét riêng để ai đi xa cũng nhớ nhung, để mỗi người luôn tự hào với bè bạn mình là người Quảng Ninh...
Bài: Phan Hằng
Ảnh: Phan Hằng - Nghĩa Hiếu (CTV) - Phạm Thành (CTV)
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()