Sản xuất nông nghiệp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là một trong những vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, góp phần đảm bảo ATTP, Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển, duy trì nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng hữu cơ an toàn, tạo ra nguồn nông sản sạch để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Trong đó, các tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; duy trì và phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP. Đến nay, toàn tỉnh có 91 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP, với diện tích 1.108ha; 4 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (quế, lúa) với diện tích 419ha; 1 cơ sở nuôi cá tầm Nga, cá lăng được chứng nhận VietGAP, với diện tích 0,405ha; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (lợn thịt 20.250 tấn/năm, gà đẻ trứng 13,512 triệu quả/năm, gà thịt 120 tấn/năm, lợn mẹ sinh sản 12.000 con/năm); 41 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương (gà thịt 502 tấn/năm, gà con giống 300.000 con/năm, trứng vịt 1,2 triệu quả/năm); 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 46 sản phẩm.
Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 728 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, gồm: 22 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, kiểm soát chất lượng, ATTP công suất thiết kế 20.000 tấn/cơ sở/năm. Các cơ sở này đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất như: Hệ thống băng tải tự động hoá; cân tự động theo trọng lượng quy định, đảm bảo độ chính xác cao; công nghệ đóng gói tự động; máy hấp chịu nhiệt cao, chống ăn mòn, tích hợp bộ điều khiển nhiệt độ trên màn hình số; hệ thống cấp đông IQF, cấp đông siêu tốc; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; áp dụng HACCP, ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS),... trong chế biến, đáp ứng yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...).
Trên địa bàn tỉnh cũng có 408 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa có quy mô, công suất nhỏ và siêu nhỏ; công nghệ chế biến cơ bản thủ công/bán tự động. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong chế biến, bảo quản nông sản hằng năm đã được các cơ sở chú trọng đầu tư, hầu hết các cơ sở đã tự xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP, ISO 22.000...). Ngoài ra, Quảng Ninh còn có 298 cơ sở chế biến lâm sản, các cơ sở chế biến dăm gỗ với công suất trung bình từ 5.000-56.000 tấn/cơ sở/năm. Nhìn chung quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ; trình độ công nghệ chế biến (theo Thông tư số 17/2019/TTBKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ) của đa số các ngành hàng đạt mức trung bình, trung bình tiên tiến (nhà máy chế biến thủy sản).
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 428 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn GMP, SSOP, HACCP; 51 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu và 9 cơ sở đóng gói; 520 cơ sở cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực; 19 cơ sở công bố hợp quy vật liệu nổi trong thuỷ sản theo quy chuẩn địa phương.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả. Các ngành chức năng đã thực nghiệm nghiêm túc, tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, công khai danh sách và địa chỉ bán sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP, tỉnh và các địa phương đã tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh ATTP. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và gắn tem nhãn mác đầy đủ.
Ý kiến ()