Rộn ràng vui xuân ở các thôn bản vùng cao
Trong bầu không khí đón mùa xuân mới, khắp các thôn, bản vùng cao của Quảng Ninh đều chung niềm vui rộn ràng, hân hoan. Đó là niềm vui sau một năm lao động, sản xuất nhiều thành quả, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần ngày càng được nâng cao, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Khi đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống, thì ở một số địa phương vùng cao của tỉnh,những buổi chợ phiên vẫn được duy trì đều đặn, là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Những ngày cuối năm, chợ phiên ở thị trấn Bình Liêu càng thêm đông đúc kẻ bán người mua. Không khí tấp nập cho đến tận chiều 30 tết. Hàng hóa cũng được bày bán mộc mạc, chỉ cần một tấm vải bạt trải ra đất cũng xong, nhưng lại vô cùng phong phú, từ các loại lá thuốc, rễ thuốc, rau củ, măng rừng, gạo nương, mật ong, hoa hồi, lá dong... cho đến các loại gia cầm, nông cụ, quần áo thêu thổ cẩm... Len lỏi giữa dòng người ra vào chợ, còn là mùi thơm từ những quán ăn dân dã, nơi đang phục vụ thực khách bằng những món ăn đậm chất vùng cao còn đang nóng hổi, nghi ngút khói, càng thêm ấm lòng giữa tiết trời giá rét.
Từ những nguyên liệu mua tại chợ phiên, nhiều gia đình người Tày ở huyện Bình Liêu gói bánh chưng, bánh cốc mò để đón tết theo đúng phong tục cổ truyền. Họ gói 2 loại bánh chưng khác nhau gọi là bánh bố hình tròn, bánh mẹ dài. Chiều 30 Tết, bánh được đưa vào bàn thờ tổ tiên. Sau Tết, bánh được bóc ra để mời cả họ hàng cùng thưởng thức. Nếu có khách đến, chủ nhà rất ân cần mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà coi như may mắn quanh năm. Còn những gia đình dân tộc Sán Chỉ, niềm vui ngày tết còn là các hoạt động hội hè tại các buổi chợ phiên cuối năm, tại các nhà văn hóa cộng đồng ngay từ ngày mùng 1 tết. Họ cùng vui chơi các trò dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù... Và đặc biệt là hát Soóng cọ để giao duyên, hát đối, hát nhóm...
Không khí nô nức tại các phiên chợ cũng phần nào cho thấy đời sống của đồng bào các dân tộc đã từng bước được nâng lên rõ rệt. “Bức tranh sáng” có được sau 1 năm nỗ lực, đoàn kết để thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế. Sau một năm tích cực lao động, các gia đình đã có của ăn của để, đón Tết vui xuân được đầy đủ, sung túc hơn trước. Để rồi trong những ngày nghỉ tết cũng là lúc nông nhàn, những người họ hàng, bạn bè được gặp gỡ bạn bè, vui chơi, chuyện trò, chia sẻ những vui buồn của một năm đã qua. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các xã, thôn, bản tổ chức tiết kiệm, an toàn, vui tươi.
Như tại xã vùng cao Tân Dân (TP Hạ Long), nơi có hơn 90% dân số là cộng đồng người Dao Thanh Phán, việc đón tết cổ truyền cũng rất đặc trưng. Theo phong tục, bà con bắt đầu ăn Tết từ sớm, ngay từ đầu tháng Chạp khi mùa màng đã thu hoạch xong. Các gia đình sẽ quây quần về nhà trưởng (tức trưởng họ), cùng nhau sửa soạn bàn thờ tổ tiên, làm lễ cúng Tết và dùng bữa cơm cuối năm. Sau đó, lần lượt từng gia đình còn lại trong dòng họ cũng sẽ làm lễ cúng tổ tiên tại nhà mình, mời anh em, bạn bè đến cùng ăn bữa cơm tất niên thân mật. Lần lượt như vậy cứ thế kéo dài cho đến hết ngày cuối cùng của năm âm lịch. Có một số gia đình làm lễ cúng tổ tiên vào chiều ngày cuối năm, họ không tự làm lễ mà mời thầy cúng tới nhà, giúp thay mặt gia chủ bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ về tổ tiên. Đồng thời cầu phúc, cầu may, mong tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ trong năm mới có sức khỏe, công việc thuận lợi.
Anh Lý Tài Hùng (thôn Khe Đồng, xã Tân Dân) là một trong những nhà làm lễ cúng và ăn Tết cuối cùng trong thôn. Anh hào hứng chia sẻ: Khi tiền vàng đã hóa, mâm cỗ tất niên được dọn lên, những anh em, bạn bè cùng ngồi lại cạn chén rượu nồng và rôm rả ôn lại chuyện năm cũ và chia sẻ với nhau những dự định trong năm mới. Những người lớn tuổi có dịp kể lại với con cháu về lịch sử gia đình, dòng tộc, về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Những người phụ nữ sẽ chuẩn bị quần áo tươm tất cho cả nhà, sắp tiền vàng, đồ lễ để sáng sớm hôm sau (mùng 1 Tết) cả gia đình sẽ về chúc Tết nhà trưởng, ăn bữa cơm đầu năm.
Ðời sống kinh tế phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đêm Giao thừa, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có điểm bắn pháo hoa tầm thấp. Các khu dân cư dù là nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đều rực rỡ đèn hoa, sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, đã đem không khí xuân đến thật rộn rã, tưng bừng. Hình ảnh tưng bừng, rộn ràng ấy đã cho thấy sức phát triển từ những vùng cao, vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh. Một mùa xuân đang về với những hứa hẹn về nhiều bứt phá hơn nữa trong năm mới Quý Mão này.
Ý kiến ()