Rau su su Tam Đảo
Cây su su ở Tam Đảo được trồng khắp nơi, từ các vạt rừng, đến xung quanh các nhà nghỉ, khách sạn. Dường như chỗ nào có đất, có khả năng trồng được là người Tam Đảo trồng su su. Theo những người dân ở đây, việc trồng su su ở Tam Đảo chủ yếu là để lấy ngọn làm rau, chứ không như nhiều nơi khác trồng để lấy quả. Vì vậy ở vườn su su nào cũng thấy những ngọn rau mập mạp vươn lên xanh mướt. Rau được bán ở chợ (thực ra chỉ là một điểm tập trung một số người bán các đồ lưu niệm và một vài sản vật của địa phương), ở bên các con đường và ngay tại khách sạn nếu khách đặt trước.
Có một điều đáng chú ý là ở đây có một cửa hàng bán rau su su sạch do UBND và Hội Nông dân thị trấn Tam Đảo tổ chức. Rau bán ở cửa hàng được đăng ký mã số mã vạch với giá bán chỉ nhỉnh hơn các loại rau khác cùng loại từ 1 đến 2 ngàn đồng/kg. Tại cửa hàng bán rau người ta niêm yết danh sách, số hiệu của các hộ trồng rau cung cấp cho cửa hàng. Việc bán rau sạch ở đây cũng hết sức linh hoạt, có thể tại cửa hàng, cũng có thể tại nơi nghỉ nếu khách yêu cầu.
Chính vì vậy lượng rau ở đây được tiêu thụ khá mạnh. Rau su su là một sản phẩm rất bình thường nhưng người Tam Đảo đã biết gây dựng thương hiệu cho nó.
Quảng Ninh của chúng ta có rất nhiều các sản phẩm độc đáo kể cả ở dưới biển hay trên rừng. Ví dụ như hồi, quế, sở, ba kích ở các huyện miền núi; ngao, ngán, tu hài... ở các địa phương ven biển. Thế nhưng việc quảng bá, gây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này dường như chưa được các địa phương, cơ quan chức năng quan tâm tới. Từ cách nghĩ, cách làm của Tam Đảo, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương cũng cần học tập để quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Điều này không chỉ mang lại giá trị, lợi ích trước mắt mà còn đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay...
Ý kiến ()