Đánh giá dư địa, quyết tâm giữ đà tăng trưởng
Năm 2022, Quảng Ninh đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen khó khăn, thách thức, nhất là tác động kéo dài, khó lường của đại dịch Covid-19. Để hoàn thành toàn diện những mục tiêu đã đề ra, tỉnh lấy chủ đề công tác năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Quảng Ninh cũng đặt ra cho mình những đích đến cao hơn, lớn hơn so với năm 2021, đặc biệt là giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp tỉnh…
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức bắt tay ngay vào triển khai, thực hiện công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022 và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tỉnh đã tổ chức khai xuân sớm hơn một ngày, quyết tâm không để công việc bị đình trệ, đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến lợi ích của nhân dân. Đặc biệt, Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức không tổ chức thăm, chúc tết đầu xuân; không dự các lễ chùa, lễ hội trong thời gian làm việc nếu không được phân công; tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc…
Nhằm nắm bắt, đánh giá những dư địa phát triển, phân tích những thuận lợi, khó khăn, định hướng tăng trưởng trong thời gian tới cho các địa phương trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kế hoạch làm việc với ban thường vụ huyện ủy, thành uỷ về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Những ngày qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu, Ban Thường vụ Huyện uỷ Vân Đồn, Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Hà... Trong đó, đối với huyện Ba Chẽ, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu huyện thực hiện đúng mục tiêu của cả nhiệm kỳ về thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Năm 2022, phải hoàn thành nhiệm vụ chung với tỉnh là hoàn thành xây dựng NTM cấp huyện nhưng phải thực chất, hiệu quả, người dân phải là trung tâm, làm chủ thể và được thụ hưởng thành quả của xây dựng NTM; đưa Ba Chẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển lâm nghiệp bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với cây chủ lực là cây gỗ lớn lim, lát, giổi và cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng, lấy ngắn nuôi dài, có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, tạo sức bật về năng suất, chất lượng, hiệu quả nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp gắn với chế biến sâu lâm sản.
Với huyện Bình Liêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung 4 nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH để đạt tiêu chí huyện NTM và thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Thứ hai, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đào tạo lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động gắn với giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trẻ. Đây chính là một giải pháp cấp bách để năm nay hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vững chắc gắn với giảm nghèo. Thứ ba, tập trung xóa đói, giảm nghèo theo tiêu chí mới của giai đoạn mới gắn với rà soát lại lực lượng lao động ở các hộ nghèo, đào tạo nghề cho người dân gắn với những cơ hội mới ở các vùng đô thị ở Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái. Thứ tư, phải thay đổi nhận thức, thói quen của nhân dân gắn với xóa nhà tạm, nhà tiêu không hợp vệ sinh, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa, tổ chức lại sản xuất để nâng cao thu nhập từ sản phẩm OCOP, sản phẩm có thương hiệu.
Hay như huyện Vân Đồn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra những tồn tại, thách thức trong vận hành cơ chế chính sách, trong chỉ đạo điều hành của huyện Vân Đồn; công tác phối hợp giữa Vân Đồn và Ban Quản lý KKT Vân Đồn. Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu Vân Đồn cần tập trung vào việc xác định các khâu còn yếu như GPMB, đầu tư công để tập trung tháo gỡ, có biện pháp khắc phục, thay đổi cách làm. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư cần thiết thực, bám sát thực tế để khai thác hiệu quả dư địa đất đai, lợi thế vị trí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp với Ban Quản lý KKT Vân Đồn. Nhiệm vụ trọng tâm của Vân Đồn hiện nay là cần giải quyết dứt điểm những sai phạm, vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, mặt đất, mặt nước; tập trung vào phát triển dịch vụ, du lịch; phát huy kinh tế biển; nâng cao thu nhập cho người dân; tạo đột phá về quy mô kinh tế để thu ngân sách bền vững.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, cùng sự quyết tâm, vào cuộc của các địa phương, sở, ban, ngành và từng cán bộ, công chức, viên chức, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu đã đề ra, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Ý kiến ()